Trong phiên trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, còn khẳng định tăng trưởng tín dụng sẽ đạt được mục tiêu đề ra là 12 – 14%. Như vậy, với 3 tháng còn lại, nhiệm vụ của tín dụng là phải “nhảy” được 5 – 7%. Nếu thành công, sẽ là một “bước nhảy” ngoạn mục.
Sẽ đạt mục tiêu tín dụng
Với mức tăng mới 7%, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại tín dụng khó đạt được mục tiêu đề ra là 12 – 14%. Tuy nhiên, Thống đốc cho biết 3 năm qua tín dụng đều tăng trên 10% và năm nay sẽ đạt mục tiêu đề ra.
Khẳng định này của Thống đốc không phải không có cơ sở. Nếu xâu chuỗi dữ liệu tín dụng, tính từ cuối tháng 8 đến thời điểm Thống đốc trả lời chất vấn đã cho thấy sự tự tin đó.
Cụ thể, vào cuối tháng 8, Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 8/2014, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế đạt 5,82% so với cuối năm 2013.
Con số tăng trưởng tín dụng đã cải thiện rõ rệt với mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 6,73% (tính đến ngày 23/9). Đây là con số được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đưa ra tại diễn đàn kinh tế Mùa Thu do Ủy ban kinh tế quốc hội tổ chức tại Ninh Bình, từ ngày 27 – 28/9.
Đến ngày 29/9, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra một con số khác, gần 7%. Con số này liệu có được hiểu là con số khác so với con số 6,73% được đưa ra trước đó 2 ngày? Chắc chắn là vậy, bởi 3 năm qua, thị trường đã chứng kiến những bước nhảy ngoạn mục của tín dụng, mỗi ngày là một con số, là một sự bất ngờ cho thị trường.
Lý giải về sự cải thiện này, theo bà Nguyễn Thị Hồng, là do quy luật tín dụng tăng mạnh vào cuối năm. Đúng là như vậy, vào cuối năm, cơ hội kinh doanh đến và đi rất nhanh, nhiều doanh nghiệp phải nắm bắt cơ hội này.
Vậy nhưng, liệu có thể tăng được 5 – 7% trong 3 tháng còn lại không khi mà ngay Thống đốc cũng hiểu nguyên nhân là do tổng cầu nền kinh tế sau thời gian khủng khoảng chưa phục hồi được?
Đại biểu Bùi Đức Thụ cũng tin tưởng kế hoạch tăng trưởng tín dụng 12-14% có thể đạt vì cuối năm thường tăng trên 6%. Nhưng hàng tồn kho đang có xu hướng tăng thêm thì chỉ tiêu này có đảm bảo chất lượng tín dụng, không làm gia tăng nợ xấu không? Tăng trưởng tín dụng từ 12-14% liệu nền kinh tế có hấp thụ hết và có tạo sức ép lên lạm phát không?
Tất nhiên, câu trả lời nhận được là rất khả quan. Thống đốc cho biết con số tăng trưởng tín dụng 12-14% hiện nay đã được cân đối từ nhu cầu của nền kinh tế. Nếu đạt được tăng trưởng như kỳ vọng là phù hợp với năng lực thực tiễn của nền kinh tế, nhưng nếu vượt trên mức này là cho vay không hiệu quả như thời gian trước đây.
Doanh nghiệp tốt chắc chắn vay được vốn
Một nội dung cũng khá nóng trong phiên chất vấn Thống đốc, đó là khả năng tiếp cận vốn và chương trình cho vay tín chấp.
Về vấn đề tiếp cận vốn, Thống đốc cho biết các NHNN đã làm việc với lãnh đạo các địa phương, các ngân hàng trên địa bàn để tiếp cận doanh nghiệp nhằm hỗ trợ vốn vay. Nếu doanh nghiệp nào có phương án sản xuất kinh doanh tốt mà chưa tiếp cận được vốn thì có thể liên hệ đường dây nóng với ngân hàng.
“Riêng với cho vay tín chấp, đây là một trong những chủ trương mà Ngân hàng Nhà nước đang tháo gỡ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp vốn có ít tài sản nhưng năng lực sản xuất lại muốn sản xuất cao. Thời gian qua, Thống đốc NHNN đã đi nhiều địa phương và tháo gỡ cho vay nhiều trường hợp.Tuy nhiên, cho vay tín chấp phải trên cơ sở đánh giá được hiệu quả một cách chính xác mới có thể triển khai được”, Thống đốc chia sẻ.
Thống đốc cũng khẳng định lãi suất cho vay có thể sẽ giảm tiếp từ nay đến cuối năm, tuy nhiên, mức giảm không được nhiều, khoảng 0,5 – 1%.
Tuy nhiên, Thống đốc cũng nhấn mạnh việc giảm trần lãi suất huy động là rất khó bởi Chính phủ quyết tâm kiềm chế lạm phát dưới 6%, dưới mức tăng trưởng 6-6,2% (năm 2015). “Nhưng hiện nay, chưa thể chắc chắn kiểm soát lạm phát thì việc giảm lãi suất, hiện còn duy nhất mức lãi suất trần 6 tháng là 6%. Nếu đưa mức lãi suất trần này xuống 5% thì kỳ vọng lạm phát của ta còn ở mức cao như vậy. Chính sách không ổn định sẽ tạo ra sự chấp chới và mất lòng tin của người dân. Vậy nên để mức 6,2% là phù hợp với hiệu quả của nền kinh tế. Dù vậy chúng tôi sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến của đại biểu nhân dân, tiếp tục phân tích và theo dõi sát tình hình, khi các điều kiện cho phép chúng tôi sẽ tiến hành", Thống đốc nhấn mạnh.
Dù vậy, vẫn có đại biểu băn khoăn về hiện tượng huy động tăng, cho vay giảm, có áp lực lạm phát không? Thống đốc Bình cho biết hiện huy động tăng gần 10%, tín dụng gần 7%, tức mức chênh khoảng 2%.
“Tổng dư nợ nền kinh tế so với tổng vốn huy động trong nền kinh tế trong hệ thống ngân hàng đạt tỷ số 89,7%, thời điểm chúng ta bước vào quá trình này, tỷ lệ này là 126,4%. Tức là chúng ta sử dụng vốn nhiều hơn so với cái chúng ta huy động được, nghĩa là tiền cung ứng đưa vào lớn, dẫn đến lạm phát, tăng trưởng tín dụng cao. Đến nay, chúng ta đưa tỷ lệ này về 89,7% trong 3 năm qua.
Đối với các ngân hàng trên thế giới, tỷ lệ tín dụng trên tổng nguồn huy động chỉ cao nhất 70%, còn với các ngân hàng lành mạnh chỉ ở mức 40 – 60%, phần dư tiền còn lại ngân hàng mới hoạt động trên thị trường chứng khoán. Do vậy, thị trường chứng khoán mới hoạt động được, mới tạo ra cân đối giữa thị trường vốn và thị trường ngân hàng. Hiện nay chúng ta đang đi đúng theo hướng đó”, Thống đốc lý giải.
Theo BizLIVE