Phiên chất vấn người đứng đầu ngành ngân hàng tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay nóng như dự kiến. Câu chuyện Chủ tịch và Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng (VNCB) bị bắtđã được nhắc lại như một điểm trừ cho hoạt động tái cơ cấu ngành ngân hàng vốn có rất nhiều điểm sáng so với tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Tiền thân là một ngân hàng rất yếu kém, nằm trong danh sách phải xử lý, VNCB ra đời nhờ sự bơm vốn của một cổ đông đến từ lĩnh vực xây dựng
Tuy nhiên, ít thời gian sau khi tham gia quản trị, điều hành ngân hàng, đại diện của các cổ đông này đã có những hành vi vi phạm và bị bắt.
"Cũng như các vụ việc Huyền Như, Bầu Kiên, Công ty Cho thuê tài chính Ngân hàng Nông nghiệp - ALCII..., sai phạm tại VNCB dù to nhỏ thế nào, diễn ra từ bao giờ đều là trách nhiệm của chúng tôi và chúng tôi phải xử lý", Thống đốc nhấn mạnh.
Thống đốc thừa nhận có nhiều vấn đề nan giải trong giai đoạn đầu của quá trình tái cấu trúc hệ thống. Khi đó, xử lý các ngân hàng yếu kém phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, dựa vào nguồn lực của thị trường, mời gọi các nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu để giúp tiết kiệm nguồn lực của Nhà nước. Theo Thống đốc, trong số các nhà đầu tư có nguyện vọng tham gia tái cấu trúc Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của VNCB),có một doanh nghiệp mà theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, Ban Chỉ đạo Tái cơ cấu và Chính phủ đều cho rằng là có năng lực tài chính.
"Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp này mới bộc lộ sai phạm và sai phạm này được phát hiện trong quá trình thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, nhờ vậy mà giảm thiểu hệ lụy", Thống đốc nói. Ông cho biết, hoạt động sai trái của cổ đông này không diễn tại VNCB, mà thông qua hoạt động vay mượn ở nơi khác.
"Giám sát tại chỗ chúng tôi không nhận thấy dấu hiệu sai phạm, mà phải kiểm tra ở nơi khác và kịp thời phối hợp với cơ quan công an. Vì vậy sai phạm này không gây xáo trộn hệ thống ngân hàng", ông nhấn mạnh.
Xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng và cung ứng vốn cho nền kinh tế là ba vấn đề Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải giải trình làm rõ trong phiên họp chiều nay, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Báo cáo trước Thường vụ Quốc hội, Thống đốc cho biết tổng nợ xấu đã được xử lý đến nay là 249.000 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 464.000 tỷ đồng vào tháng 9/2012, khi bắt đầu triển khai đề án xử lý nợ xấu.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình đang trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 29/9.
Số liệu báo cáo của các ngân hàng cũng cho thấy, đến cuối tháng 7, tổng nợ xấu nội bảng là 162.200 tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ, trong khi cuối năm 2013 là 3,61%. Thống đốc lý giải nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2014 do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn. Bản thân các ngân hàng cũng áp dụng chuẩn mực mới về phân loại nợ chặt chẽ hơn để phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng và thực trạng nợ xấu.
Cũng theo Thống đốc, trước đây các ngân hàng có xu hướng che giấu nợ xấu để làm đẹp sổ sách, báo cáo, từ đó chia cổ tức cao. 3 năm qua Ngân hàng Nhà nước đang làm chặt và xử lý nghiêm những trường hợp nợ xấu cao mà vẫn chia cổ tức, chia lợi nhuận. Nhiều ngân hàng đã ngừng chia cổ tức, dùng tiền thặng dư để xử lý nợ xấu.
"Tính từ đầu năm, tháng 7 có tốc độ tăng nợ xấu thấp nhất (tăng 0,79% so với tháng trước) cho thấy chất lượng tín dụng đang có chiều hướng cải thiện", Thống đốc nói.
Ông cũng tranh thủ báo cáo trước Quốc hội về việc các tổ chức quốc tế ghi nhận nỗ lực của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Moody và Standard & Poor's mới đây đã nâng hạng tín nhiệm với lý do hệ thống ngân hàng ngày càng ổn định hơn, trong đó hơn 10 ngân hàng được nâng hạng. Tạp chí danh tiếng The Banker mới đây công bố một số ngân hàng Việt Nam trong danh sách 1.000 ngân hàng hàng đầu thế giới. Một số ngân hàng cũng có mặt trong trong danh sách Top 10 ngân hàng an toàn ở Đông Nam Á.
Đây là lần thứ hai Thống đốc Bình trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lần thứ nhất diễn ra vào tháng 8/2012.
Theo VnExpress