Đúng như dự đoán của các chuyên gia kinh tế tài chính, trong thương vụ sáp nhập giữa Sacombank và Ngân hàng Phương Nam (Southernbank), điều mà các cổ đông quan tâm nhất đó là việc Sacombank sẽ xử lý như thế nào với khối nợ xấu “khổng lồ” mà Southernbank đang có.
Được biết theo kết luận của thanh tra NHNN chi nhánh TP.HCM, tỷ lệ nợ xấu thực tế của Southern Bank cao hơn rất nhiều lần so với con số "tự khai" của ngân hàng này. Cụ thể tại ngày 30/6/2012, tỷ lệ nợ xấu là 45,6%, tháng 11/2013 là 55,31% nhưng PNB chỉ báo cáo tỷ lệ nợ xấu tháng 12/2013 là 3,39%.
Theo số liệu mới nhất, nợ xấu của Southern Bank tính đến cuối năm 2014 ở mức 18.786 tỷ đồng. Tuy nhiên trong thời gian qua ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu và thu hồi nợ được hơn 9.000 tỷ đồng, bán nợ cho VAMC hơn 2.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó Southernbank cũng đã cơ cấu lại nợ 6.768 tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Tính đến cuối năm 2014, nợ xấu của Southern Bank ở mức 18.786 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại Sacombank tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này hiện đã được khống chế ở mức 1,44% sau khi bán khoảng 600 tỷ đồng nợ vay cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) và nhận được 400 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu đặc biệt.
Dù nợ xấu tại SouthernBank cao nhưng theo Chủ tịch HĐQT Sacombank - Kiều Hữu Dũng cho biết Sacombank đã lường trước được điều này, đồng thời ông Dũng còn khẳng định, sẽ cố gắng xử lý khoản nợ xấu “khổng lồ” này và dứt điểm những vấn đề gặp phải của ngân hàng sau sáp nhập trong 3 năm và có thể ngắn hơn nếu kinh tế phục hồi tốt.
Ở thời điểm hiện tại, sẽ không có quá nhiều phương án xử lý nợ xấu cho Sacombank lựa chọn và trích lập vào chi phí dự phòng được cho là giải pháp khả thi nhất hiện tại.
Do đó, việc Sacombank nhận Sothern Bank đồng nghĩa rằng ngân hàng sẽ tạo áp lực lên việc tạo dòng tiền trong tương lai và dòng tiền này phải đủ để tài trợ cho việc xử lý nợ xấu của Phương Nam.
Lường trước điều này, ban lãnh đạo Sacombank đã lên kế hoạch tài chính sau sáp nhập mới với sự sụt giảm một nửa lợi nhuận so với trước đó. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2015 khoảng 1.002 tỷ đồng (sau thuế 782 tỷ đồng); năm 2016 là 1.132 tỷ đồng (sau thuế 883 tỷ đồng) và năm 2017 đạt 1.333 tỷ đồng (1.039 tỷ đồng sau thuế).
Ngoài ra, lãnh đạo Sacombank cũng lên kế hoạch giảm thù lao 2014 của Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát, phương án sáp nhập và đăng ký lưu ký, niêm yết bổ sung số cổ phiếu phát hành thêm... Dự kiến trong quý IV tới đây, Sacombank sẽ xin lưu ký và niêm yết bổ sung cổ phiếu STB, đồng thời thực hiện sắp xếp lại mạng lưới hoạt động.
Hoàng anh (TH theo ĐTTC; Trí thức trẻ; ĐTCK; LĐ)