Theo Tạp chí Tài chính và Cuộc sống, CTCP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc đã bán 2.8 triệu cổ phiếu G36 của Tổng Công ty 36 - CTCP, giảm sở hữu từ hơn 8 triệu cp (tỷ lệ 7.73%) xuống còn hơn 5.2 triệu cp (tỷ lệ 5.03%).
Ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Văn Hiền mua thành công hơn 2.7 triệu cp, nâng sở hữu từ hơn 105 ngàn cp (tỷ lệ 0.1%) lên hơn 2.8 triệu cp (tỷ lệ 2.73%). Thời gian thực hiện mua và bán cp của hai cổ đông trên đều diễn ra từ ngày 24/10 – 22/11/2023.
Hai giao dịch này là kết quả của đợt đăng ký vào ngày 23/10 vừa qua, theo đó CTCP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc và ông Nguyễn Văn Hiền lần lượt đăng ký bán và mua cùng số lượng gần 5.53 triệu cp. Như vậy, cả hai cổ đông này đều không hoàn thành kế hoạch giao dịch của mình. Lý do được đưa ra là giá thị trường không phù hợp.
Điều đáng nói là hai cổ đông có mối quan hệ mật thiết với nhau. Ông Nguyễn Văn Hiền là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và đại diện pháp luật của CTCP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc. Ngoài ra, ông Hiền còn là người có liên quan đến một số cá nhân khác đang đảm nhận những chức vụ quan trọng tại G36. Ông Hiền là em ruột của ông Nguyễn Đăng Giáp – Chủ tịch HĐQT; anh ruột của ông Nguyễn Đăng Thuận – Phó Tổng Giám đốc, Ủy viên HĐQT; anh ruột của ông Nguyễn Đăng Trung – Phó Tổng Giám đốc.
Ông Hiền cũng từng có thời gian làm Thành viên HĐQT G36 từ tháng 05/2016 - 10/2022.
Thực tế, quan sát diễn biến giá cổ phiếu từ ngày 24/10 đến 22/11, cổ phiếu G36 gần như đi ngang từ vùng 6.400 đồng/cổ phiếu đến vùng 7.400 đồng/cổ phiếu.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý III/2023, Tổng công ty 36 ghi nhận doanh thu đạt 282,32 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 1,16 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 3,29 tỷ đồng.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 12,2% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 3,29 tỷ đồng, lên 30,27 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 20%, tương ứng giảm 0,45 tỷ đồng, về 1,8 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 8,6%, tương ứng tăng thêm 1,62 tỷ đồng, lên 20,52 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 3,6%, tương ứng tăng thêm 0,46 tỷ đồng, lên 13,08 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý III, Tổng công ty 36 ghi nhận lỗ 3,33 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 4,54 tỷ đồng.
Như vậy, lợi nhuận gộp mà Tổng công ty 36 tạo ra trong quý III không đủ trả chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh thu tài chính cũng ghi nhận không đáng kể dẫn tới Công ty đã tiếp tục lỗ trong quý III.
Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2023, Tổng công ty 36 ghi nhận doanh thu đạt 803,54 tỷ đồng, tăng 29,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 0,42 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 7,98 tỷ đồng, tăng 8,4 tỷ đồng.
Trong năm 2023, Tổng công ty 36 đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 1.868,18 tỷ đồng, tăng 36,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 8,65 tỷ đồng, giảm 61% so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm với việc chỉ ghi nhận lãi 0,42 tỷ đồng, Tổng công ty 36 mới hoàn thành 4,9% so với kế hoạch lợi nhuận năm lên tới 8,65 tỷ đồng.
Một diễn biến đáng lưu ý khác, trước đó, Tổng công ty 36 vừa chấp thuận dùng tài sản bảo đảm là 5 triệu cổ phiếu G36 thuộc sở hữu của ông Nguyễn Đăng Giáp, Chủ tịch HĐQT để bảo đảm cho nghĩa vụ vay vốn đang tồn tại hoặc sẽ phát sinh trong tương lại giữa Tổng công ty 36 và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm.
Được biết, thời điểm 30/9/2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 21,6% so với đầu năm, tương ứng giảm 278,5 tỷ đồng, về 1.012,3 tỷ đồng và chiếm 21,6% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 335,2 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 677,1 tỷ đồng.
Tổng công ty 36 có thuyết minh chi tiết nợ vay, đang có dư nợ ngắn hạn 236,97 tỷ đồng tại BIDV - Chi nhánh Hoàn Kiếm. Trong đó, khoản vay có tài sản đảm bảo gồm toà nhà văn phòng trụ sở Tổng Công ty 36 tại 141 Hồ Đắc Di, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội; toà nhà văn phòng làm việc trụ sở các chi nhá tại số 1075 Giải Phóng, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội; tầng hầm để xe ô tô thuộc dự án Khu nhà ở gia đình cán bộ quân đội dự án 4-678 tại số 50 ngõ 28 Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội; tầng để xe tại tầng 3, 4 và 5 thuộc toà nhà CT36A tại dự án Đầu tư xây dựng công trình Metropolitan CT36; nhà trẻ tại tầng 1 và tầng 2 thuộc toà nhà CT36A; cầm cố hợp đồng tiền gửi trị giá 17,5 tỷ đồng, và một hợp đồng khác trị giá 6 tỷ đồng; và đặc biệt 12.542.302 cổ phiếu G36 của ông Nguyễn Đăng Giáp.
Theo tìm hiểu, trước cổ phần hóa, Tổng công ty 36 là đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, sau đó, Tổng công ty lập kế hoạch cổ phần hoá, bán 42,21% vốn điều lệ (18,15 triệu cổ phiếu) cho nhà đầu tư chiến lược; 10% vốn điều lệ (4,3 triệu cổ phiếu) chào bán thông qua đấu giá; còn lại 40% thuộc về cổ đông nhà nước (17,2 triệu cổ phiếu).
Năm 2016, kết thúc đợt cổ phần hóa, vốn điều lệ Tổng công ty 36 tăng lên 430 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông chiến lược là CTCP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc, sở hữu 32,9% vốn điều lệ (14,15 triệu cổ phiếu); CTCP Vận tải và Thương mại Anh Quân sở hữu 9,3% vốn điều lệ (4 triệu cổ phiếu). Nhóm hai cổ đông chiến lược mua vào với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Đối với kế hoạch IPO, CTCP Bảo hiểm Bưu Điện đã mua vào 4,25 triệu cổ phiếu, chiếm 9,87% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn. Trong đó, giá IPO trung bình là 15.102 đồng/cổ phiếu.
Theo tìm hiểu, CTCP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc được thành lập năm 2003, cổ đông sáng lập là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty 36; CTCP Vận tải và Thương mại Anh Quân được thành lập năm 2008, với cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Đăng Ngọ, em trai ông Nguyễn Đăng Giáp. Như vậy, nhóm hai cổ đông chiến lược đều liên quan tới ông Nguyễn Đăng Giáp, thông tin từ báo Đầu tư.