Cụ thể, 18 mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ có nguy cơ bị điều tra gồm: Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng; tủ bếp và tủ nhà tắm; ghế sofa có khung gỗ; đá nhân tạo bằng thạch anh; gạch men; xe đạp điện; vỏ bình ga; ghim đóng thùng; gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục; pin năng lượng mặt trời; thép carbon chống ăn mòn; ống thép hộp và ống thép tròn; cáp thép dự ứng lực; máy giặt dân dụng cỡ lớn; thép hình cán nóng; dây và cáp nhôm; nhôm thanh định hình; mặt bích bằng thép không gỉ.
Theo đó, gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ với các mã HS 4412.31, 4412.32, 4412.33, 4412.34, 4412.94, 4412.99. Sau nhiều lần gia hạn, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị coi là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại PVTM đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. Gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác thì không bị coi là lẩn tránh.
Sản phẩm tiếp theo là tủ bếp và tủ nhà tắm (mã HS 9403.40, 9403.60, 9403.90) và ghế sofa có khung gỗ (mã HS 9401.61). Hai sản phẩm này bắt đầu được cảnh báo từ năm 2020 là và những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng mạnh, đá nhân tạo bằng thạch anh (mã HS 6810.99) và gạch men (mã HS 6907.21, 6907.22, 6907.23, 6907.30, 6907.40) cũng là mặt hàng được đưa vào diện cảnh báo khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất các sản phẩm này.
Theo Bộ Công Thương, xe đạp điện (mã HS 8711.60) cũng được cảnh báo xuất khẩu sang Hoa Kỳ và châu Âu do có một số trường hợp doanh nghiệp kê khai không chính xác về xuất xứ đối với sản phẩm xe đạp điện.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, pin năng lượng mặt trời (mã HS 8501.71, 8501.72, 8501.80, 8507.20, 8541.42, 8541.43), thép carbon chống ăn mòn, ống thép hộp và ống thép tròn, cáp thép dự ứng lực, máy giặt dân dụng cỡ lớn, thép hình cán nóng, dây và cáp nhôm, nhôm thanh định hình, mặt bích bằng thép không gỉ, vỏ bình ga (mã HS 7311.00), ghim đóng thùng (mã HS 7317.00, 8305.20), gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục (mã HS 4409.10, 4409.22, 4409.29)… là những sản phẩm được cảnh báo nguy cơ áp dụng phòng vệ thương mại khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
“Dù tỷ trọng của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ còn thấp nhưng Bộ Công Thương khuyến nghị cần giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ và khai báo xuất xứ đối với mặt hàng này để ngăn chặn các hành vi gian lận có thể xảy ra, nhằm hưởng lợi từ chênh lệch thuế. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng cần lưu ý tránh sử dụng nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm này”, Bộ Công Thương khuyến cáo.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc làm việc với bà Gina Raimondo, Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC). Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tần suất ngày càng gia tăng của các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ, nhất là các vụ việc nhắm vào các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ sẽ có chỉ đạo mạnh mẽ để đẩy nhanh và sớm hoàn tất trong năm 2023 tiến trình xem xét khởi xướng rà soát thay đổi hoàn cảnh sớm nhất nhằm sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam theo tinh thần Tuyên bố chung ngày 11/9/2023 và Kế hoạch hành động đã thống nhất giữa Lãnh đạo hai nước.