1. Tăng trưởng GDP thuộc nhóm hàng đầu thế giới
Năm 2019, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 7,02%
Năm 2019, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 7,02% trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh chiến lược trong khu vực và trên thế giới gia tăng. Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam hoàn thành tất cả 12/12 chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Điều đáng ghi nhận là, dù tăng trưởng GDP ở mức cao, song nền kinh tế vẫn bảo đảm ổn định vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng ở mức 2,79%, đảm bảo mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%, tỉ lệ nợ công trên GDP tiếp tục giảm… Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Thu ngân sách ước đạt trên 1,6 triệu tỷ đồng, cho thấy đây đang là giai đoạn thu ngân sách tốt nhất kể từ năm 2013, đồng thời, chủ trương chung về siết chặt, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển và quản chặt bội chi ngân sách Nhà nước đã được thực hiện chặt chẽ.
Các tổ chức quốc tế duy trì dự báo triển vọng tích cực trong thời gian tới với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Đáng chú ý, theo UNDP, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới. Với chỉ số HDI năm 2019 là 0,63, Việt Nam đang ở gần mức trần của nhóm các nước có HDI ở mức trung bình và chỉ cần thêm 0,007 điểm để vào được nhóm các nước có HDI ở mức cao. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,45% và theo UNDP, Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo.
2. Công tác, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng có bước đột phá mới
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo một phiên họp của Chính phủ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Chính phủ đã bám sát Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội và phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” với 6 trọng tâm điều hành, 8 nhóm giải pháp, 186 nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và 5 nhóm giải pháp, 64 nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh; kiên định, kiên trì, triển khai thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn và toàn diện hơn các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Nhận diện từng điểm nghẽn, những vướng mắc, bất cập của cơ chế, chính sách đối với từng ngành, lĩnh vực; tiếp tục cải cách, đổi mới mạnh mẽ, khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực mang đến động lực tăng trưởng mới và tạo thêm dư địa trong điều hành. Tập trung xử lý những vấn đề trọng tâm, lâu dài gắn với giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, dư luận xã hội quan tâm.
Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền gắn với trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế xin cho, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, phát huy tính chủ động, trách nhiệm, sáng tạo. Minh bạch, hiện đại hóa hoạt động, thực hiện nền hành chính thống nhất, thông suốt, dân chủ, hiện đại, liêm chính, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết, nỗ lực, thống nhất hành động, quyết tâm với tinh thần trách nhiệm cao nhất thực hiện các mục tiêu đề ra.
3. Xuất nhập khẩu, kiều hối, dự trữ ngoại hối lập đỉnh mới
Ảnh minh họa
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên cán mốc 500 tỷ USD, chỉ 2 năm sau khi đạt thành tích 400 tỷ USD. Thành tích này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới suy giảm xuất nhập khẩu. Xuất siêu khoảng 10 tỷ USD, là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp. Kết quả này giúp Việt Nam lọt Top 30 quốc gia có tăng trưởng XNK tốt trên thế giới. Nếu xét về tăng trưởng cả giai đoạn lên đến 13% thì Việt Nam thuộc top đầu thế giới duy trì tăng trưởng cao, bền vững.
Về kiều hối, theo Dữ liệu Kiều hối thường niên mới cập nhật của Ngân hàng Thế giới, kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2019 ước đạt 16,7 tỷ USD (chiếm 6,4% GDP), tăng nhẹ so với 16 tỷ USD của năm 2018 và nằm trong nhóm 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Trong hai thập kỷ qua, kiều hối chuyển về Việt Nam tăng đều, từ mức hơn 1,3 tỷ USD vào năm 2000 và chỉ giảm duy nhất vào năm 2009 do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Việc tiếp tục nằm trong nhóm các quốc gia nhận kiều hối lớn nhất đã giúp tỷ giá USD/VNĐ ổn định ở mức thấp từ đầu năm đến nay.
Với con số 73 tỷ USD dự trữ ngoại hối (tính đến hết tháng 10/2019), ước tính Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm hơn 6,6 tỷ USD kể từ tháng 7/2019 đến nay.
Lượng ngoại hối này cho thấy sức khỏe của nền kinh tế tiếp tục được củng cố. Trước nhiều áp lực từ diễn biến trên thị trường quốc tế (đồng tiền Trung Quốc giảm giá mạnh, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung…), nhưng thị trường ngoại tệ trong nước vẫn duy trì ổn định; thanh khoản đảm bảo, giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
4. Lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài và về cách mạng công nghiệp 4.0
Ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài (FDI) đến năm 2030”
Ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài (FDI) đến năm 2030”. Việc lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết chuyên đề về FDI đã được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao. Nghị quyết chỉ rõ ưu tiên chiến lược của Việt Nam trong thu hút FDI giai đoạn tới là các dự án có công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nghị quyết là tiền đề để Việt Nam thu hút nguồn vốn FDI thế hệ mới có chất lượng cao hơn.
Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Với quan điểm tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước, Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Nghị quyết ra đời thể hiện Việt Nam chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.
5. Đầu tư xã hội, năng lực sản xuất kinh doanh tăng mạnh
Hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 diễn ra sôi động
Dự kiến cả năm nay sẽ có khoảng 138.100 doanh nghiệp thành lập mới và 39.400 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Đặc biệt, có tới hơn 40.000 doanh nghiệp tăng vốn với số vốn khoảng 2,23 triệu tỷ đồng, nhiều hơn cả số vốn đăng ký mới.
Việt Nam tiếp tục thu hút kỷ lục đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong 12 tháng năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm ngoái. Trong đó, vốn đăng ký mới là 16,75 tỷ USD, vốn tăng thêm là 5,8 tỷ USD, còn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần là 15,47 tỷ USD.
Khu vực kinh tế tư nhân có bước phát triển mới. Trong danh sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương do Forbes Asia 2019 công bố danh sách, có 7 doanh nghiệp của Việt Nam. Cũng trong danh sách tỷ phú USD thế giới được Forbes vinh danh, đã có 5 tỷ phú USD đến từ Việt Nam. Cùng với đó, có những doanh nghiệp Việt Nam đã hướng tới đột phá trong sản xuất công nghiệp và công nghệ với những dự án đầy tham vọng với hy vọng vươn ra thị trường quốc tế.
Ngày 30/6/2019, Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam – EU (EVFTA và IPA) được ký kết
6. Việt Nam bắt đầu cùng các đối tác thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam – EU (EVFTA và IPA).
Hiệp định EVFTA là một trong những Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) lớn nhất Việt Nam từng tham gia, được kỳ vọng sẽ làm thay đổi thể chế chính sách và phát triển nền kinh tế Việt Nam lên một tầm cao mới khi chính thức được thực thi.
Cho đến nay, các nhóm thị trường mà Việt Nam đã ký kết và thực thi FTA đều có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tốt. Việc các FTA được ký kết đã góp phần thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, qua đó đóng góp lớn cho thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam.
Ảnh minh họa
7. Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước hạn gần 2 năm, với 52-53% số xã đạt chuẩn. Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bắt nguồn từ Nghị quyết số 26 của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn", cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 8 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ); 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; chương trình hoàn thành trước gần 2 năm so với chỉ tiêu Đảng, Quốc hội giao.
8. Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia tiếp tục được cải thiện. Đặc biệt, với việc tăng 3,5 điểm và 10 bậc theo đánh giá của WEF, Việt Nam trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019. Theo cộng đồng doanh nghiệp, đây là kết quả minh chứng cho nỗ lực bền bỉ trong cải cách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua. Việt Nam lần đầu tiên vươn lên trong nửa trên của bảng xếp hạng thế giới, vị trí 67 trên 141 nền kinh tế được xếp hạng. Còn theo xếp hạng của tạp chí U.S. News & World Report, Việt Nam xếp thứ 8 trong tốp 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư năm 2019, tăng vượt bậc từ vị trí 23 của năm ngoái.
Khách du lịch quốc tế tham quan Di tích Cố đô Huế
9. Du lịch Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, thu hút lượng khách quốc tế kỷ lục với khoảng 18 triệu lượt (tăng 16%); phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (tăng 6%); tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng (tăng trên 16% so với năm 2018).
Bên cạnh con số ấn tượng nói trên, trong năm qua, Việt Nam còn nhận được nhiều giải thưởng du lịch toàn cầu như: “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”, “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019”, “Điểm đến hàng đầu châu Á” (2 năm liên tiếp), “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á”…
Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng liên tục được cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở vị trí 63/140 nền kinh tế.
10. Khởi công dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu phát lệnh khởi công Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Ngày 16/9/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh khởi công Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ-La Sơn đi qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Đây là dự án đầu tiên trong 11 dự án thành phần của Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông. Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông là công trình quốc gia ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2017-2020 đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư với tổng mức vốn là 118.716 tỷ đồng, bao gồm 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước, còn lại là nguồn vốn huy động ngoài ngân sách. Với tổng tuyến đường đầu tư khoảng 654 km, Dự án có vai trò quan trọng trong việc giải tỏa áp lực cho Quốc lộ 1, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội./.
Nguồn: Chinhphu