Yên Lạc (Vĩnh Phúc): Vì sao việc thi hành án bị kéo dài ?

Bản án xét xử vụ khởi kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) đã có hiệu lực, nhưng gần 2 năm nay, việc thi hành án vẫn “vướng” do thiếu sự hỗ trợ từ phía công an ?

Gian nan tìm công lý

Trong đơn gửi báo Pháp luật Việt Nam, bà Dương Thị Thắm ở khu 5, thôn Đông, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết:Bản án phúc thẩm số 73/2012/DS-PT của TAND tỉnh Vĩnh Phúc xét xử việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, hơn 2 năm nay, bản án vẫn chưa được thi hành khiến quyền lợi của bà bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Được biết, năm 2010 bà Thắm mua của vợ chồng ông Dương Văn Chiêu và bà Nguyễn Thị Ngân (ở khu 4, thôn Đoài, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc) một ngôi nhà 2 tầng và 92m2 đất ở với giá 2,8 tỷ đồng.

Yên Lạc (Vĩnh Phúc): Vì sao việc thi hành án bị kéo dài ? - Ảnh 1
Chú thích ảnh: Bà Thắm mỏi mòn chờ công lý được thực thi.

Tuy nhiên, sau khi mua bán, ông Chiêu bà Ngân lại không thực hiện các thủ tục chuyển nhượng mà chỉ đưa sổ đỏ cho bà Thắm. Sau nhiều lần đề nghị làm thủ tục chuyển nhượng không được, bà Thắm đành khởi kiện vợ chồng ông Chiêu ra tòa.

Ngày 16/8/2012, TAND huyện Yên Lạc đã xét xử phiên tòa sơ thẩm và tuyên hợp đồng vô hiệu, buộc bà Thắm trả lại vợ chồng ông Chiêu bà Ngân sổ đỏ; yêu cầu ông Chiêu, bà Ngân phải trả lại cho bà Thắm 2,8 tỷ đồng. 

Khi xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Vĩnh giữ nguyên bản án sơ thẩm. Không đồng tình với kết quả xét xử của 2 cấp tòa, ông Chiêu bà Ngân tiếp tục có đơn khiếu nại và đến ngày 8/5/2013, TAND tối cao đã có văn bản số 938/TATC-DS trả lời không có cơ sở để chấp nhận các yêu cầu của ông Chiêu bà Ngân. 

Do không tự nguyện thi hành án (THA) nên ngày 4/12/2013, Chi cục THA dân sự huyện Yên Lạc đã có quyết định số 05/QĐ-CCTHA về việc cưỡng chế kê biên QSDĐ đối với ông Chiêu bà Ngân tại thị trấn Yên Lạc. Nhưng không hiểu sao sau đó cơ quan THA lại tạm giao cho ông Chiêu bà Ngân quản lý sử dụng nhà đất nói trên. Việc THA đến nay vẫn chưa có gì mới đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của bà Thắm.

Cần sớm thi hành dứt điểm

“Tôi không hiểu vì sao bản án có hiệu lực từ lâu rồi mà chi cục THA huyện Yên Lạc vẫn chưa triển khai thi hành rồi lý giải là vướng chỗ này vướng chỗ nọ, trong khi gia đình tôi đang bị ngân hàng liên tục “xiết nợ”. Cứ chờ đợi THA như thế này thì có lẽ tôi chỉ còn nước nhảy lầu mà thôi”, bà Thắm bức xúc nói.

Được biết, gia đình bà Thắm có hoàn cảnh khá éo le. Ly hôn một mình bà tần tảo nuôi hai con ăn học, số tiền 2,8 tỷ đồng bà Thắm vay mượn bạn bè và thế chấp ngôi nhà đang ở để vay ngân hàng. Nếu cứ chậm THA, có lẽ suốt phần đời còn lại, bà phải nai lưng làm lụng để trả nợ gốc và lãi.

Lý giải về việc chậm THA, bà Nguyễn Thị Minh Thư, Phó chi cục trưởng chi cục THA huyện Yên Lạc (chấp hành viên trực tiếp giải quyết việc THA này) cho biết: Chi cục THA dân sự đang làm chứ không phải không làm. Hiện việc triển khai đang bị vướng là do phía bên công an huyện chưa xây dựng phương án bảo vệ cưỡng chế mà cứ đề nghị tiếp tục tuyên truyền vận động, mặc dù phía chi cục THA dân sự đã có nhiều buổi gặp gỡ và vận động các bên gia đình (?).

Việc bản án đã có hiệu lực cần phải sớm được thi hành để đảm bảo sự nghiêm minh, sự công bằng là yêu cầu chính đáng của các đương sự. Việc xây dựng phương án bảo vệ cưỡng chế trong vụ việc này liệu có quá khó đến mức phải kéo dài và gây hoài nghi như trên? Đề nghị Ban chỉ đạo THA dân sự huyện Yên Lạc sớm có ý kiến chỉ đạo, phối hợp thống nhất giữa các ngành để công lý được thực thi.

(Theo Pháp luật Việt Nam)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục