“Xuống nước” trước giờ G, Hy Lạp sẽ khai thông bế tắc?

(Kinhdoanhnet) - Những đề xuất mới của Hy Lạp trước thềm cuộc họp của nhóm Bộ trưởng Tài chính eurozone (eurogroup) được cho là sẽ làm nền tảng cho một thỏa thuận khai thông thế bế tắc.

Bộ trưởng Tài chính Hà Lan - Jeroen Dijsselbloem - chủ trì phiên họp ngày 22/6 của nhóm Bộ trưởng Tài chính eurozone (eurogroup) cho biết đề xuất mới của Hy Lạp sẽ là nền tảng cho một thỏa thuận khai thông thế bế tắc.

Các biện pháp cải tổ mới đã được Hy Lạp đưa ra với nhóm chủ nợ sáng nay, ông Dijsselbloem cho biết trong phiên họp của eurogroup tại Brussels (Bỉ). Dù khá trễ, các đề xuất này vẫn được coi là nước đi tích cực.

“Xuống nước” trước giờ G, Hy Lạp sẽ khai thông bế tắc? - Ảnh 1
Đề xuất mới của Hy Lạp hy vọng sẽ khai thông được bế tắc

"Cơ hội đạt thỏa thuận tuần này đã xuất hiện và đó là điều chúng tôi đang nỗ lực hướng tới", ông nói. Sau cuộc họp, ông cũng nhận xét gói biện pháp này có "quy mô rộng và hoàn chỉnh", nhưng không cho biết chi tiết.

Nhận xét của ông Dijsselbloem lạc quan hơn so với những người đồng cấp. Đa phần cho rằng hy vọng có đột phá đang bị thổi phồng khi các đề xuất mới vẫn còn chưa rõ ràng và họ không có đủ thời gian nghiên cứu.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngày 21/6 bất ngờ đưa ra các đề xuất mới nhằm khai thông bế tắc trong cuộc đàm phán với các chủ nợ liên quan đến khoản giải ngân 7,2 tỷ euro còn lại trong chương trình cứu trợ trị giá 240 tỷ euro dành cho Hy Lạp.

Các đề xuất trên có thể được coi là sự nhượng bộ vào phút chót của Hy Lạp nhằm tiến tới "giải pháp cuối cùng" cho cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và bộ ba chủ nợ gồm EC, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).

Chính phủ Hy Lạp cho biết các đề xuất bao gồm biện pháp hạn chế nghỉ hưu sớm, tăng thuế giá trị gia tăng, tăng thuế thu nhập với nhóm người có thu nhập trung bình và cao. Họ cũng sẽ áp thuế mới lên các công ty có lợi nhuận ròng hàng năm trên 500.000 euro (568.000 USD).

Các bộ trưởng tài chính châu Âu không tin tưởng vào khả năng đạt thỏa thuận cuối cùng vào ngày 22/6 nhưng hy vọng có được sự đồng thuận cần thiết để đi đến thỏa thuận đầy đủ vào cuối tháng.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk kêu gọi Hy Lạp khẩn trương đạt thỏa thuận với các chủ nợ châu Âu và IMF.

Thủ tướng Đức Merkel không lạc quan về tình trạng hiện nay. Các quan chức Đức cảnh báo Hy Lạp phải rời khỏi eurozone nếu không đạt thỏa thuận với các chủ nợ.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Hollande khẳng định cần làm tất cả để giữ Hy Lạp ở lại eurozone. Ông Hollande cho biết nếu Hy Lạp rời khỏi eurozone sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới người dân Hy Lạp và người dân châu Âu.

Hy Lạp sẽ vỡ nợ và có thể phải rời eurozone nếu không thể hoàn trả khoản vay 1,5 tỷ euro cho IMF cuối tháng này.

Phương Anh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục