Xung quanh việc cưỡng chế trại gà ở xã Tiên Phương, Chương Mỹ (6)

Liên quan đến việc cưỡng chế trại gà của gia đình ông Cường ở xã Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội, vị Chủ tịch huyện đã có những phát ngôn tới báo chí nhưng hoàn toàn không đúng sự thật.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sáng ngáy 06/11/2019 của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, tại phần trả lời chất vấn của đại biểu, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho biết: “Về chủ trương lâu dài, chúng ta sẽ giảm dần diện tích đất lúa để nhường dư địa cho sản xuất, cây trồng khác hiệu quả hơn”. Cùng với đó là những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp được ban hành nhằm giúp người nông dân thoát nghèo và phát triển kinh tế. Nhận thấy chủ trương và chính sách của Nhà nước ta là luôn đúng đắn, tuy nhiên những người chịu trách nhiệm thực thi chính sách tới người dân thì không phải lúc nào cũng chuẩn mực.

Đơn cử như ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Mặc dù chính sách khuyến khích chăn nuôi được UBND thành phố Hà Nội ban bố rộng rãi, vậy nhưng thay vì hướng dẫn người dân thực hiện chính sách này hợp pháp để yên tâm phát triển kinh tế, thì chính quyền sở tại lại có biểu hiện như “bật đèn xanh” cho một số cán bộ chuyên môn làm bừa, dẫn đến đời sống kinh tế của người dân luôn trong tình trạng bấp bênh và bất hợp pháp (?!).

Xung quanh việc cưỡng chế trại gà ở xã Tiên Phương, Chương Mỹ (6) - Ảnh 1
Khu trang trại gà của gia đình ông Vũ Huy Cường sau khi bị cưỡng chế.


Vì sao Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ thông tin sai sự thật với báo chí?

Trong buổi làm việc, tiếp xúc với phóng viên ngày 22/10/2019 tại trụ sở UBND huyện Chương Mỹ liên quan đến việc cưỡng chế trại chăn nuôi gà của ông Vũ Văn Cường và vợ là bà Nguyễn Thị Tâm - công dân sinh sống tại xã Tiên Phương, ông Đinh Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện đã hùng hồn tuyên bố những điều sau: Thứ nhất là ở xã Tiên Phương này chỉ duy có hộ ông Cường, bà Tâm tổ chức chăn nuôi, chiếm dụng và sử dụng đất công trái mục đích; Thứ hai là công tác dồn điền đổi thửa về bản chất không làm mất đi diện tích đất nông nghiệp mà người dân đã sử dụng trước đó, việc dồn điền đổi thửa với mục đích dồn đổi những thửa ruộng nhỏ ở nhiều vị trí khác nhau về chung thửa ruộng to giúp bà con nông dân phát triển nông nghiệp dễ dàng hơn; Thứ ba là tôi (ý chỉ chính ông Hùng – PV) đã vỗ vai Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nói nhỏ rằng: “Anh cho ban hành cái Văn bản số 3456/SNN-TTr để đề nghị huyện dừng việc cưỡng chế trại gà của ông bà Cường, Tâm trong khi UBND thành phố đang thụ lý giải quyết Đơn tố cáo của ông bà này là sai đấy. Anh làm gì có đủ thẩm quyền để ban hành cái văn bản đó”.

Kết thúc buổi làm việc với Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, bằng những thông tin, tài liệu mà phóng viên thu thập được trong quá trình tác nghiệp tại địa phương; chúng tôi nhận thấy rằng những nội dung mà ông Hùng phát biểu là hoàn toàn không đúng sự thực.

Cụ thể như: Đối với với phần khẳng định ở xã Tiên Phương chỉ có duy nhất 01 trại gà nhà ông Cường, bà Tâm. Nhưng thưa ông Chủ tịch huyện, trong quá trình thực sát tìm hiểu của phóng viên đã cho thấy tại xã Tiên Phương có hơn 40 trại gà quy mô rộng đang tồn tại trên đất nông nghiệp. Người dân ở đây cho biết: “Có những trang trại thì sử dụng đất nông nghiệp được chia theo Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ, đã qua công tác dồn điền đổi thửa. Có những trang trại là do người dân tự thuê đất nông nghiệp của nhau mà lập thành. Và đặc biệt có những trang trại lại do chính UBND xã hoặc Chủ nhiệm HTX nông nghiệp ở đây cho người dân thuê lại”.

Một minh chứng rất rõ ràng và cụ thể về sự tồn tại của các trang trại chăn nuôi gà trên đất nông nghiệp ở xã Tiên Phương đó là: Ngay tại khu vực trang trại chăn nuôi gà của ông bà Cường, Tâm vừa bị UBND xã san phẳng trong vụ cưỡng chế hôm 24 và 25 tháng 10 vừa qua gây thiệt hại cho người dân hàng tỷ đồng, chỉ cách có một lối đi đối diện, khoảng 10m là một khu trại chăn nuôi khác. Khu trại này có quy mô khá lớn. Bao gồm dãy nhà lợp mái tôn kiên cố chạy dài, xung quanh được lắp quạt thông gió cỡ lớn để lưu thông không khí cho vật nuôi. Bên ngoài trang trại được bao bọc tường rào bằng gạch. Dọc theo con đường nội đồng quanh khu vực này, lại thấy xuất hiện một mô hình trang trại chăn nuôi như thế.

Vậy không biết ông Hùng - Chủ tịch huyện Chương Mỹ có hơi chủ quan với khẳng định của mình không? Ông phát biểu trước sự có mặt của toàn bộ trưởng, phó phòng chuyên môn quan trọng của huyện, trước cả Chủ tịch UBND xã Tiên Phương (?). Câu hỏi được đặt ra là: Có lẽ cấp dưới của ông đã quá yên tâm về sự bao bọc, chống đỡ của ông trước phóng viên? Vậy nên bảo sao mà những cán bộ này cứ yên tâm nhắm mắt cho sai phạm xảy ra tại địa phương (?).

Xung quanh việc cưỡng chế trại gà ở xã Tiên Phương, Chương Mỹ (6) - Ảnh 2
Một trại gà đối diện khu trại gà nhà ông Cường được người dân cho biết là cũng nằm trên đất nông nghiệp.


Đối với nội dung phát biểu thứ hai của ông Hùng liên quan đến công tác dồn điền đổi thửa của huyện, thật không giống như ông này tuyên bố. Cụ thể như bà Tống Thị Chừng - nông dân sinh sống tại Đội 8, thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương cho biết: “Hộ gia đình tôi gồm 05 người. Hoàn cảnh cực kỳ khó khăn bởi chồng thì ốm quanh năm và 02 con đều trong tình trạng mù chữ. Giai đoạn trước năm 2013, gia đình tôi được chia ruộng theo Nghị định 64/NĐ-CP với diện tích đất tương đương 05 khẩu theo quy định của Nhà nước tại 05 khu vực xứ đồng khác nhau. Đến năm 2013, xã Tiên Phương thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, nhưng thay vì được đổi những mảnh ruộng nhỏ mà gia đình tôi đang sử dụng thành mảnh ruộng to theo đúng chủ trương dồn điền đổi thửa, thì số ruộng tôi được nhận sau dồn đổi còn bị xé nhỏ ở nhiều vị trí khác nhau hơn cả những thửa ruộng sử dụng ban đầu, tổng diện tích sau dồn đổi còn bị thiếu so với phần diện tích trước khi dồn đổi. Hơn thế lại còn bị rơi vào những mảnh ruộng xấu đến nỗi không thể cấy hái được, khiến gia đình tôi phải bỏ ruộng hoang từ sau khi dồn điền đổi thửa đến bây giờ”.

Còn về việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản đề nghị UBND huyện Chương Mỹ dừng việc cưỡng chế đối với khu đất mà ông bà Cường, Tâm đang sử dụng. Nếu xét đúng tính chất sự việc thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang làm đúng và đủ quy trình của mình. Bởi lẽ không tự dưng Sở này lại ban hành một văn bản với nội dung như vậy nếu như phần diện tích bị UBND huyện Chương Mỹ cưỡng chế là nguyên nhân dẫn đến việc vợ chồng ông bà Cường, Tâm làm đơn tố cáo vượt cấp.

Theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quyền kiểm tra, xác minh nội dung tố cáo của công dân, đồng thời có trách nhiệm bảo vệ tài sản của người tố cáo theo đúng Luật Tố cáo. Một vấn đề nữa cần phải phản ánh rõ là ông Lê Anh Dũng - Trưởng phòng Tư pháp huyện Chương Mỹ đã phát biểu: “Về tình trạng sử dụng đất và kế hoạch cưỡng chế sử dụng đất đối với gia đình ông bà Cường, Tâm. UBND huyện Chương Mỹ đã có 02 văn bản gửi UBND thành phố để xin ý kiến nhưng chưa thấy có văn bản phản hồi”.

Biết là chưa có chỉ đạo của cấp trên nhưng UBND huyện Chương Mỹ vẫn cố tình dùng quyền của mình để chỉ đạo UBND xã Tiên Phương tổ chức cưỡng chế việc sử dụng đất, tài sản của người dân không thuận tình, đạt lý (?). Câu hỏi được đặt ra là, sự việc này người dân đã kêu cứu đến Lãnh đạo huyện từ lâu, tại sao “quan huyện” không xem xét một cách công tâm, minh bạch để người dân phải kêu cứu vượt cấp? Rồi khi cấp trên đang thụ lý, giải quyết thì “quan huyện” lại chỉ đạo “quan xã” xử lý người dân lấn lướt quyền xử lý của cấp trên như vậy?

Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy ông Hùng - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ không hề tôn trọng cơ quan báo chí khi đưa ra những phát ngôn không đúng với thực tế những gì đang xảy ra tại địa phương do ông quản lý. Trước cơ quan ngôn luận (cơ quan có đủ quyền để tìm hiểu thông tin về mọi mặt của xã hội, đồng thời phản ánh khách quan tới công chúng), mà ông Hùng còn dùng quyền của mình để phát ngôn sai lệch sự thật thì đối với những người nông dân thấp cổ bé họng, liệu ông Hùng đối xử công bằng với họ được mấy phần?

Trong quá trình tác nghiệp tại địa phương này, nhóm phóng viên báo còn tìm hiểu được nhiều câu chuyện bi hài nữa về công tác dồn điền đổi thửa, về những người được chia đất ở vị trí UBND xã Tiên Phương vừa cưỡng chế có quan hệ thế nào với tân Chủ tịch UBND xã; hay những vấn đề về quản lý và sử dụng đất tại địa phương này từ thời tân Chủ tịch UBND xã còn là lãnh đạo một phòng chuyên môn của huyện Chương Mỹ. Tất cả sẽ được phản ánh trong những kỳ tiếp theo.

Hy vọng UBND thành phố Hà Nội sẽ có thêm cơ sở để chỉ đạo Thanh tra thành phố vào cuộc để thanh tra toàn diện việc quản lý và sử dụng đất của huyện Chương Mỹ trong giai đoạn trước và sau khi huyện này thực hiện công tác dồn điền đổi thửa.

 

Hiền Anh - Nguyễn Hân/KD&PL

 

 

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục