Xung quanh việc cưỡng chế trại gà ở xã Tiên Phương, Chương Mỹ (10)

Liên quan đến việc cưỡng chế trại gà của gia đình ông Vũ Huy Cường ở Tiên Phương, Chương Mỹ, nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh gửi chuyển đơn của ông Cường tới UBND thành phố Hà Nội đề nghị xem xét giải quyết.

Theo thông tin từ những người dân tại xã Tiên Phương, sau khi ông Tống Văn Thái – Chủ tịch UBND xã Tiên Phương thi hành cưỡng chế hành vi vi phạm đất công do hộ gia đình ông Vũ Huy Cường cùng vợ là bà Nguyễn Thị Tâm trên khu đất mà hộ gia đình này đã lập trại chăn nuôi gà hơn chục năm qua, ngoài việc các tài sản trên đất không thuộc diện bị cưỡng chế, không được tổ chức thi hành cưỡng chế lập biên bản, kê biên theo đúng quy định của pháp luật thì vị Chủ tịch xã này còn bị dư luận cho rằng có dấu hiệu tẩu tán tài sản thu được của người dân (?).


Xung quanh việc cưỡng chế trại gà ở xã Tiên Phương, Chương Mỹ (10) - Ảnh 1

 

Xung quanh việc cưỡng chế trại gà ở xã Tiên Phương, Chương Mỹ (10) - Ảnh 2
Nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh gửi chuyển UBND thành phố Hà Nội đề nghị xem xét giải quyết


Theo chân những người có mặt ở tại nơi UBND xã Tiên Phương tổ chức đấu giá tài sản không thuộc diện bị cưỡng chế của gia đình ông bà Cường, Tâm, chúng tôi được biết: Ngay trong ngày 25/10/2019 (tức là ngày mà UBND xã Tiên Phương đang tổ chức cưỡng chế quyền sử dụng đất là trại nuôi gà của ông bà Cường, Tâm) thì UBND xã này đã ban hành một Thông báo số 122/TB-UBND về việc nhận lại tài sản sau cưỡng chế đối với ông Vũ Huy Cường; Tiếp ngay sau đó là ngày 26/10/2019, UBND xã này lại phát đi một Thông báo số 123/TB-UBND (tức Thông báo lần 2) có nội dung tương tự; đến ngày 28/10/2019, xã này lại phát đi Thông báo số 125/TB-UBND (tức Thông báo lần 3).

Như vậy chỉ trong 03 ngày từ ngày đang thực thi cưỡng chế quyền sử dụng đất trại chăn nuôi gà của ông bà Cường, Tâm thì UBND xã Tiên Phương đã phát đi tới 03 thông báo nhằm mục đích yêu cầu chủ tài sản đến nhận lại tài sản của mình. Tuy nhiên, vì cho rằng những tài sản trên đất không thuộc diện cưỡng chế bị thu hồi một cách bất minh nên ông bà Cường, Tâm đã nhất quyết không đến nhận lại tài sản, mà gửi Đơn kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét và giải quyết công tâm cho gia đình ông bà trong trường hợp này.

Nhiều Đoàn Đại biểu Quốc hội có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị xem xét giải quyết

Sau khi liên tiếp phát đi các Thông báo, UBND xã Tiên Phương đã nhanh chóng mang các tài sản không thuộc diện bị cưỡng chế thu được ra để đấu giá bán tài sản. Điều đáng nói ở đây không chỉ là UBND xã Tiên Phương đang thực hiện việc tổ chức cưỡng chế đối với các tài sản không thuộc diện bị cưỡng chế là chưa tuân thủ theo đúng một số những quy định của pháp luật, mà ngay cả việc định giá tài sản nêu trên cũng là điều gây bức bối trong dư luận cũng như người có tài sản liên quan.

Trong sự oán thán, bà Tâm cay đắng cho biết: “Thông thường khi chúng tôi mua gà giống của Công ty CP thì đối với loại gà 01 ngày tuổi thì có giá là 16.000 đồng/ con; loại gà 17 tuần tuổi thì tùy từng thời điểm sẽ có giá giao động từ 80.000 đồng – 120.000 đồng/ con, trọng lượng khoảng 1,2kg đến 1,3kg/ con. Còn gà của nhà tôi đang nuôi thì ở thời điểm bị cưỡng chế có trọng lượng trung bình khoảng 2kg/ con, tương đương với 29 tuần tuổi. Gà này nếu mang bán cho đại lý lớn sẽ có giá khoảng 65.000 đồng/ kg. Như vậy 01 con gà mà họ thu giữ bất minh của tôi nếu bán ra sẽ được giá khoảng 130.000 đồng/ con.

Vậy căn cứ vào đâu mà họ lại đưa ra cái giá rẻ mạt là 30.000 đồng/ kg (tương đương khoảng 60.000 đồng/ con) để bán đấu giá đàn gà đẻ của tôi như vậy? Đó là chưa kể đàn gà này đang trong thời gian thu hoạch trứng. Với hơn 12 nghìn con gà đẻ như vậy, trung bình chúng tôi thu được 8 đến 12 triệu đồng/ ngày từ việc thu hoạch và bán trứng gà. Vậy mà UBND xã Tiên Phương đem gà đẻ của chúng tôi bán ra còn không bằng giá gà giống chúng tôi mua vào thì có chấp nhận được hay không? Tôi sẽ kiến nghị đến cùng việc này và ông Tống Văn Thái chắc chắn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tự cho mình cái quyền định đoạt tài sản không thuộc diện cưỡng chế của gia đình tôi như vậy”.


Theo Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá giữa người trúng đấu giá và đại diện UBND xã Tiên Phương là ông Chủ tịch Tống Văn Thái, với giá khởi điểm của tài sản đấu giá được đưa ra là 30.000 đồng/ kg, không bao gồm các chi phí liên quan đến việc di chuyển đàn gà và các chi phí phát sinh (nếu có) khi thực hiện bàn giao gà, thì giá bán tài sản được chốt với giá 42.000 đồng/ kg với số lượng đàn gà dự kiến khoảng 9.930 con gà đẻ. Tuy nhiên các điều khoản trong bản Hợp đồng này đều được thể hiện rất chung chung chứ không có gì cụ thể cả.

Đơn cử như trong bản Hợp đồng chỉ đưa ra số lượng đàn gà dự kiến và giá bán được áp dụng quy đổi ra ki-lô-gam (kg), vậy nhưng số ki-lô-gam thực tế tương ứng với số lượng đàn gà dự kiến đều không được thể hiện trong bản Hợp đồng (?), điều này rất có thể gây thất thoát tài sản trong quá trình mua bán bởi lẽ giữa các bên sẽ không có mốc điểm để làm căn cứ trước khi giao dịch. Có thể xảy ra trường hợp cân trọng lượng không chính xác, hoặc giá bán ra không phù hợp do không xác định rõ trọng lượng hoặc tuổi của đàn gà?; Giá trị của bản Hợp đồng cũng không được ghi rõ mà chỉ thể hiện việc người tham gia đấu giá phải đặt cọc số tiền là 20 triệu đồng khi tham gia đấu giá tài sản nêu trên.

Tất cả đều phụ thuộc vào biên bản đấu giá được lập vào hồi 09h00 ngày 31/10/2019 (tức là sau 07 ngày, kể từ ngày bị tổ chức cưỡng chế quyền sử dụng đất đối với gia đình ông bà Cường, Tâm). Vậy thì ai chắc rằng cái Biên bản đấu giá sẽ là trung thực, khách quan và UBND xã Tiên Phương thực thi công vụ một cách chí công, vô tư khi mà họ (UBND xã Tiên Phương – PV) đã tổ chức cưỡng chế ngày 24,25/10/2019 đối với gia đình ông bà Cường, Tâm và tổ chức đấu giá đàn gà để trứng sau khi thu giữ (không có kê biên, kiểm đếm) không đúng quy định của Luật Đấu giá năm 2016 và Nghị định 166/2013/NĐ-CP?

Đó là còn chưa kể đến việc trước khi tổ chức đấu giá tài sản, tổ chức đấu giá phải làm việc với cơ quan thuế có thẩm quyền để xác định tài sản đấu giá phải chịu các loại thuế gì, trách nhiệm nộp thuế thuộc về ai, trên cơ sở đó xác định rõ các loại thuế phải nộp và trách nhiệm nộp thuế để thông báo công khai cho người đăng ký mua tài sản và người có tài sản được biết mà thi hành theo đúng quy định. Những vấn đề nêu trên đều không được thể hiện rõ trong bản Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Như vậy, việc đấu giá tài sản là đàn gà đẻ trứng của gia đình ông Cường, bà Tâm có đúng quy định pháp luật hay không?

Hơn nữa khi cưỡng chế trang trại gà thì còn có rất nhiều các tài sản khác như máy phát điện, tủ lạnh chứa thuốc, thức ăn chăn nuôi, trang thiết bị chăn nuôi như máng ăn, hệ thông quạt gió và toàn bộ vật tư, vật liệu của 2 dãy trại gà – những tài sản này cũng được lực lượng cưỡng chế thu giữ nhưng không thấy UBND xã Tiên Phương thông báo cho gia đình nhà ông Cường, bà Tâm đến nhận lại tài sản và đương nhiên là số tài sản này điều không được kê biên, thống kê và bảo quản theo quy định (?).

Thế nhưng trong Thông báo số 144/TB-UBND ngày 6 tháng 11 năm 2019 của UBND xã Tiên Phương về việc nhận lại tiền bán đấu giá số gà và trứng gà của ông Vũ Huy Cường sau cưỡng chế có đoạn nêu: “Tổng giá trị thu được sau bán tài sản là 641,579,700 đồng… Số tiền chi phí trông giữ, xử lý tài sản, thuê chuồng trại: 12,750.000 đồng… Số tiền ông Vũ Huy Cường được nhận lại sau khi trừ chi phí là 628, 829,700 đồng…”.

Thật vậy, nếu nhìn toàn cảnh việc UBND xã Tiên Phương tổ chức thi hành cưỡng chế quyền sử dụng đất là trại chăn nuôi gà của gia đình ông bà Cường, Tâm, cùng với việc xử lý tài sản trên đất không thuộc bị diện cưỡng chế của hộ gia đình này song song với việc UBND thành phố Hà Nội đang thụ lý giải quyết Đơn tố cáo có liên quan thì có thể thấy rằng UBND xã Tiên Phương đang dùng quyền mà thực thi công vụ theo cách “cố đấm ăn xôi” hoặc phải chăng ông Tống Văn Thái đang muốn thể hiện uy quyền của mình với người dân?

Theo tìm hiểu của phóng viên được biết: Trước, trong và sau khi UBND xã Tiên Phương tiến hành thực hiện cưỡng chế trại gà của ông Vũ Huy Cường tại khu Đồng Mông, thôn Quyết Tiến, gia đình ông Cường, bà Tâm đã gửi đơn kêu cứu, khiếu nại các văn bản mà UBND xã Tiên Phương ban hành, thậm chí có cả đơn tố cáo những biểu hiện sai phạm của Chủ tịch UBND xã Tiên Phương. Và đơn của ông Cường, bà Tâm cũng đã được nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh gửi chuyển UBND thành phố Hà Nội đề nghị xem xét giải quyết.

Đặc biệt là ngày 12/11/2019, Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Tối cáo đã có Văn bản số 2915/VKSTC-C1(P1) chuyển nội dung đơn của bà Nguyễn Thị Tâm tố cáo Lãnh đạo UBND xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội đã cưỡng chế trang trại chăn nuôi của gia đình bà là sai, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại vật chất cho gia đình nhà bà đến Vụ 12 Viên Kiểm sát nhân dân Tối cao để xử lý theo quy định của pháp luật.


Xung quanh việc cưỡng chế trại gà ở xã Tiên Phương, Chương Mỹ (10) - Ảnh 3
Văn bản số 2915/VKSTC-C1(P1) của Cơ quan Điều tra VKSTC chuyển nội dung đơn của bà Nguyễn Thị Tâm tố cáo Lãnh đạo UBND xã Tiên Phương đến Vụ 12 VKSTC.

 

Hiền Anh – Nguyễn Hân/KD&PL

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục