Cụ thể, mới đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Văn phòng Quốc hội và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức Hội thảo về vấn đề xử lý nợ xấu.
Theo như phía VAMC cho biết hiện nay việc xử lý nợ xấu đối với công ty này vẫn còn một số khó khăn như VAMC không có quyền chủ nợ đối với nợ xấu mua bằng Trái phiếu đặc biệt. Việc tổ chức thực hiện thu giữ Trái phiếu đặc biệt của khoản nợ xấu để xử lý nhằm thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm được sự đồng thuận giữa các tổ chức tín dụng, khách hàng và VAMC.
Việc định giá khoản nợ cũng chưa có quy định cụ thể, VAMC phải lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để thu hồi nợ. VAMC không thể nhận bổ sung, thay thế tài sản bảo đảo đối với những khoản nợ xấu của các TCTD mua bằng Trái phiếu đặc biệt do không được nhận thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản trên đất của tổ chức.
Bên cạnh đó, VAMC cũng gặp khó trong việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản hay việc kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng theo Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC.
Từ những vấn đề thiết yếu, cụ thể nhất về thực trạng tình hình nợ xấu trong hệ thống, Hội thảo đã đưa ra những giải pháp quan trọng để xử lý nợ xấu triệt để, hiệu quả.
Xây dựng khuôn khổ pháp lý điều tiết toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc xử lý nợ xấu, tạo lập một môi trường hoạt động minh bạch, bình đẳng, thông suốt, đặc biệt chú ý đến việc hoàn tất thủ tục pháp lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ, thu giữ tài sản, phát mại tài sản, định giá tài sản; phát triền khung pháp lý cho thị trường mua – bán và xử lý tài sản xấu.
Nâng cao năng lực xử lý nợ xấu của VAMC với những cơ chế đặc thù để VAMC có thể hoạt động hiệu quả trên nguyên tắc xử lý nợ xấu phải được thực hiện nhanh, giảm thiểu những thiệt hại phát sinh do sự chậm trễ trong xử lý nợ xấu. VAMC có thể chủ động quyết định trong việc cơ cấu lại nợ, bán nợ/tài sản bảo đảm mà không phải trao đổi để thống nhất với TCTD, doanh nghiệp có nợ xấu.
Xử lý nợ xầu cần được thực hiện bằng nguồn tiền thực để đảm bảo hiệu quả và nhanh chóng. Các hình thức xử lý nợ xấu phải được đa dạng hoá trên cơ sở đảm bảo tính công khai, minh bạch. Hệ thống thông tin nợ xấu được tổ chức để dễ dàng giới thiệu các khoản nợ xấu/tài sản bảo đảm tới các nhà đầu tư có quan tâm, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu và tạo tiền đề để xây dựng một thị trường mua bán nợ tại Việt Nam
Quang Thắng