"Xoay trục" đầu tư bất động sản, nợ của Alphanam tăng trưởng đáng báo động

Sau 3 năm hủy niêm yết, đến năm 2017, lần đầu Alphanam hé lộ kết quả kinh doanh lãi lớn, chấm dứt chuỗi 5 năm thua lỗ liên tiếp. Tuy nhiên, đến hết 6 tháng đầu năm 2018, Alphanam tiếp tục ghi nhận lợi nhuận ở mức âm, nâng tổng lỗ lũy kế tại thời điểm cuối Quý II/2018 lên mức 194,2 tỷ đồng.

"Xoay trục" đầu tư bất động sản, nợ của Alphanam tăng trưởng đáng báo động - Ảnh 1
Hoạt động kinh doanh của Alphanam đã "xoay trục", với định hướng trở lại đầu tư bất động sản trong vài năm trở lại đây.

Tự nguyện hủy niêm yết vì thua lỗ

CTCP Đầu tư Alphanam được doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải thành lập năm 1995, ban đầu hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thiết bị điện, rồi dần mở rộng ra các mảng thiết bị vệ sinh, lương thực, thang máy... Năm 2007, Alphanam lên sàn chứng khoán với mã cổ phiếu ALP và là một trong những mã được săn đón vào thời điểm đó, với kết quả kinh doanh tốt và tỷ lệ chia cổ tức trên dưới 30% mỗi năm.

Không dừng lại ở đó, đã Alphanam chuyển mình mạnh mẽ sang lĩnh vực bất động sản với chiến lược M&A các doanh nghiệp nhà nước sở hữu quỹ đất lớn. Cụ thể là việc nắm trong tay hơn 20 dự án có tổng diện tích phát triển 1.000ha, vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, tập trung ở Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM.

Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản bước vào giai đoạn đóng băng thì hoạt động đầu tư Alphanam không những không mang về lợi nhuận mà còn phải gánh khoản lỗ lớn từ năm 2012. Tình hình này không được cải thiện trong thời gian sau đó.

Đến năm 2013, ông Nguyễn Tuấn Hải cho biết Alphanam sẽ hủy niêm yết chứng khoán, cùng với đó, vào ngày cuối cùng của năm 2014, gia đình ông Nguyễn Tuấn Hải đã liên tục mua lại cổ phiếu từ các cổ đông nhỏ, đồng thời nâng tỷ lệ sở hữu tại Alphanam từ mức 50% lên 90%.

Và lời nói của vị Chủ tịch này đã trở thành sự thật đó là vào ngày 2.12.2014, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) đã có thông báo hủy niêm yết đối với hơn 192 triệu cổ phiếu ALP theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2013 của CTCP Đầu tư Alphanam thông qua việc hủy niêm yết tự nguyện cổ phiếu ALP.

Lý do hủy niêm yết của ALP được tiết lộ là ở khía cạnh khác liên quan đến đặc thù hoạt động đầu tư tài chính.

Theo chủ tịch HĐQT Nguyễn Tuấn Hải, các khoản lỗ là do trích lập dự phòng khi thâu tóm những doanh nghiệp thua lỗ để tập trung cho chiến lược dài hạn. Trước mắt, hoạt động này trong ngắn hạn luôn phải nhận lỗ hợp nhất nên ALP rời sàn để không phải chịu áp lực ngắn hạn. Sau khi ủy niêm yết, Alphanam trở thành công ty gia đình để bảo mật thông tin.

"Xoay trục" đầu tư bất động sản, nợ của Alphanam tăng trưởng đáng báo động - Ảnh 2
Ông Nguyễn Tuấn Hải và "ái nữ" Nguyễn Ngọc Mỹ - Người phụ trách mảng bất động sản của Tập đoàn Alphanam


Sau khi hủy niêm yết, tên tuổi Alphanam gần như biến mất khỏi thị trường, các thông tin về doanh nghiệp cũng trở nên khó tiếp cận. Thông tin tài chính cuối cùng mà ALP công bố là báo cáo quý III.2014. Tính đến cuối quý này, trên bảng cân đối kế toán của ALP thể hiện khoản lỗ lũy kế là hơn 385 tỷ đồng, tăng thêm gần 144 tỷ so với thời điểm đầu năm.

Được biết, mặc dù sau đó công ty không hé lộ về kết quả kinh doanh, nhưng theo tìm hiểu, tính đến cuối năm 2016, lỗ lũy kế của Alphanam lên tới là 657 tỷ đồng, bằng 1/3 vốn cổ phần (1.925 tỷ đồng), gần gấp đôi khoản lỗ tính đến Quý III/2014.

Vẫn chưa thoát lỗ

Sau 3 năm “im hơi lặng tiếng”, đến năm 2017, kết quả kinh doanh của Alphanam bắt đầu hồi phục trở lại. Cụ thể, công ty này ghi nhận khoản doanh thu thuần lên tới 1.611 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần năm 2016 (502 tỷ đồng). Ngoài ra, lợi nhuận từ công ty liên doanh - liên kết đưa về gần 6 tỷ đồng cùng khoản doanh thu tài chính hơn 12,8 tỷ đồng đã giúp Alphanam mang về khoản lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng đột biến lên tới 444,8 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi 5 năm thua lỗ liên tiếp của doanh nghiệp này. Nhờ đó, lỗ lũy kế đến cuối 2017 đã giảm xuống còn hơn 191,8 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Alphanam tới cuối năm 2017 đạt 2.976 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các khoản phải thu với 1.351 tỷ đồng), hàng tồn kho 534 tỷ đồng và đầu tư tài chính dài hạn 749 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh đã công bố BCTC hợp nhất giữa niên độ 2018 của Alphanam với kết quả kinh doanh không mấy khả quan.

Cụ thể, kết thúc 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty ghi nhận 317 tỷ đồng, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước, bên cạnh đó, hợp động tài chính cũng mang về khoản doanh thu gấp 12 lần, đạt 150,4 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Alphanam còn lại khoản lỗ sau thuế gần 1,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ tới 66,1 tỷ đồng. Theo đó, khoản lỗ lũy kế cũng tăng lên mức 194,2 tỷ đồng.

"Xoay trục" đầu tư bất động sản, nợ của Alphanam tăng trưởng đáng báo động - Ảnh 3

Tính đến ngày 30/6/2018, Alphanam có tổng tài sản đạt 3.158 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm, trong đó, có tới 649,3 tỷ đồng hàng tồn kho và 126 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn.

Ngoài ra, nợ phải trả của Alphanam tính đến cuối kỳ cũng tăng mạnh gần 18,5% lên mức 1.168 tỷ đồng, bao gồm 908 tỷ đồng nợ ngắn hạn(tăng 10,5%) và 260 tỷ đồng nợ dài hạn (tăng 58,3%).

Ánh Phượng

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục