Tổng Bí thư Tô Lâm vừa thay mặt Bộ Chính trị ký Nghị quyết số 68 ngày 4/5 về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có nội dung quan trọng về hỗ trợ thực chất, hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh.
Cụ thể, Bộ Chính trị yêu cầu rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về kinh doanh cá thể, thu hẹp tối đa sự chênh lệch, tạo mọi điều kiện thuận lợi về tổ chức quản trị và chế độ báo cáo tài chính, kế toán đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh. Cùng với đó, đẩy mạnh số hoá nhằm minh bạch và đơn giản thủ tục tuân thủ về thuế, chế độ kế toán, bảo hiểm…nhằm khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp.
“Xoá bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026”, Nghị quyết nêu rõ.
Bộ Chính trị chỉ đạo, xoá bỏ hình thức thuế khoán đối với cá nhân, hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026
Bên cạnh đó, nhà chức trách cần cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán, dịch vụ tư vấn pháp lý, các khoá đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế, nhân sự, pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và các hộ, cá nhân kinh doanh.
Ngoài ra, thực hiện hiệu quả chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, thúc đẩy khả năng tiếp cận nguồn vốn và sử dụng các sản phẩm tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh; Ưu tiên tạo điều kiện và phục vụ chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh là thanh niên, phụ nữ, nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo và các mô hình kinh doanh bao trùm, tạo công ăn việc làm và tác động tích cực đến xã hội.
Theo số liệu của Cục Thuế (Bộ Tài chính), tính đến hết tháng 3/2025, số lượng hộ, cá nhân kinh doanh đã nộp Tờ khai thuế theo hình thức khoán là 1.975.373 hộ và có 6.142 hộ nộp thuế theo hình thức kê khai.
Sắp tới, số lượng hộ, cá nhân kinh doanh đưa thêm vào quản lý thuế theo hình thức kê khai thông qua triển khai bản đồ số hộ kinh doanh là 61.329 hộ kinh doanh.
Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng nêu, khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940.000 doanh nghiệp và trên 5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực này đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước và 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm.
Với quan điểm chỉ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, tương ứng 20 doanh nghiệp trên 1.000 người dân. Trong số đó, ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Về tốc độ tăng trưởng, bình quân khoảng 10-12% một năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 55-58% GDP, 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động, năng suất lao động tăng bình quân tăng 8,5-9,5% mỗi năm.
Nghị quyết cũng đặt mục tiêu đến 2030, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam sẽ đạt trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.
Mục tiêu đến năm 2045, khu vực này phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Việt Nam sẽ có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp, đóng góp trên 60% GDP.
Vietnamfinance
In bài viết