Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết, thời điểm cơ chế khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo kết thúc, công suất phát điện mặt trời tại Việt Nam tăng thêm gần 9,3 GW, tương đương với 6 nhà máy nhiệt điện than.
WEF nhận định, một trong những điểm sáng trong đại dịch Covid-19 là tốc độ tăng đáng ngạc nhiên về số lượng các dự án năng lượng tái tạo. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năm 2020, toàn cầu chứng kiến sự sụt giảm nhu cầu năng lượng lớn nhất từ Thế chiến thứ 2, với mức giảm hơn 7 lần so với mức gây ra bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008/9.
Đồng thời, tỷ trọng năng lượng được tạo ra từ năng lượng tái tạo đã tăng vọt 7% vào năm ngoái. Tiến sĩ Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA nhấn mạnh: "Điều này được thúc đẩy chủ yếu bởi năng lượng mặt trời. Hay có thể nói rằng, năng lượng tái tạo miễn nhiễm với Covid-19".
Ví dụ điển hình của xu hướng này chính là Việt Nam, quốc gia đã đưa ra các ưu đãi đối với hộ gia đình và doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời áp mái vào năm ngoái. Thời điểm ưu đãi kết thúc, công suất phát điện mặt trời tại Việt Nam tăng thêm gần 9,3 GW, tương đương với 6 nhà máy nhiệt điện than.
Trong quá khứ, Việt Nam là quốc gia phụ thuộc lớn vào than để sản xuất điện. Song hiện tại, quốc gia này đã có hơn 101.000 công trình lắp đặt trên mái nhà cho các gia đình, văn phòng và nhà máy. Chỉ trong 1 năm, công suất sản xuất năng lượng mặt trời tăng gấp 25 lần.
Điểm quan trọng trong cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam là biểu giá ưu đãi dành cho những cá nhân sử dụng điện mặt trời và bán điện năng dư thừa cho lưới điện quốc gia với mức gia được đảm bảo trong 20 năm. Ngoài ra, điện mặt trời được ưa chuộng bởi không cần sử dụng đất khan hiếm hay dùng đường truyền mới.
Đây không phải là khoản chi lớn đầu tiên của Việt Nam cho năng lượng tái tạo. Năm 2019, Việt Nam đã đầu tư lớn bằng cách lắp đặt 4,5 GW điện mặt trời truyền thống trên mặt đất. Với sự bùng nổ các công trình lắp đặt điện mặt trời áp mái, tỷ trọng năng lượng tái tạo đang chiếm ¼ trong tổng cơ cấu nguồn điện.
Điện mặt trời cũng được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những thay đổi từ luật đối tác công/tư tại Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc các khoản đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than không còn nhận được ưu đãi hay khuyến khích.
Thu Vũ, Chuyên gia Phân tích Năng lượng tại Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng (IEEFA) cho hay: "Những thay đổi đối với cấu trúc thị trường điện của Việt Nam và sự cạnh tranh từ công nghệ đang thúc đẩy việc chuyển trọng tâm ra khỏi đầu tư điện than thông thường".
Theo IEA, Việt Nàm là quốc gia tiêu thụ điện lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á. Khu vực này có tốc độ tăng năng lượng nhanh nhất thế giới, nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng dẫn đến việc sử dụng nhiều thiết bị gia dụng hơn.
Trong 20 năm qua, nhu cầu tăng trưởng ở mức ổn định 6%/năm và 4 quốc gia tiêu dùng lớn nhất là: Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia - chiếm hơn 80% tổng nhu cầu trong khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam xếp thứ 65 trong tổng số 115 quốc gia về Chỉ số Chuyển đổi Năng lượng năm 2020 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đứng sau Namibia và trước Ghana.
Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết