Vướng hàng loạt "bê bối": Đề xuất bỏ luôn loại hợp đồng đổi đất lấy hạ tầng BT?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một số ý kiến cho rằng “không nên tiếp tục thực hiện loại hợp đồng BT”. Do đó, cơ quan này đề nghị các bộ ngành liên quan nêu quan điểm về nhận định này.

Vướng hàng loạt "bê bối": Đề xuất bỏ luôn loại hợp đồng đổi đất lấy hạ tầng BT? - Ảnh 1
Thực tiễn triển khai cho thấy việc thực hiện các dự án BT còn tồn tại.

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn gửi các bộ ngành đề nghị góp ý các vấn đề trong xây dựng dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Trong đó đề cập tới một trong 2 hợp đồng được áp dụng phổ biến ở Việt Nam và nhận được sự quan tâm của dư luận là BT (đổi nguồn lực công lấy dự án).

Đối với hợp đồng BT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, từ năm 1997 đến nay, quy định pháp lý có bốn lần thay đổi lớn về hình thức thanh toán (bằng tiền, quỹ đất, tài sản công, quyền kinh doanh khai thác công trình). Theo cơ chế hiện hành, nguồn lực công đối ứng được xác định nganh giá với giá trị công trình BT.

Thực tiễn triển khai cho thấy, việc thực hiện các dự án BT còn tồn tại, đặc biệt là việc xác định giá trị đất đối ứng còn chưa phản ánh giá trị thị trường. Tại kết luận ngày 28/9/2018, Kiểm toán còn cho rằng, việc xác định giá trị tài sản công (bao gồm quyền sử dụng đất) trong dự án BT theo cơ chế Hội đồng thẩm định giá thẩm định, UBND cấp tỉnh phê duyệt mà không thông qua đấu giá là chưa thể hiện được sự công khai, minh bạch khi thanh toán cho nhà đầu tư.

Đáng lưu ý, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số ý kiến cho rằng “không nên tiếp tục thực hiện loại hợp đồng BT”.

“Đề nghị các cơ quan góp ý nêu quan điểm về nhận định này. Trường hợp không duy trì loại hợp đồng BT, đề nghị cung cấp thêm thông tin và lập luận để Bộ Kế hoạch và Đầu tư có cơ sở báo cáo Chính phủ trong quá trình dự thảo luật”, công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Trong trường hợp tiếp tục thực hiện loại hợp đồng BT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến về 2 phương án.

Phương án 1, đấu thầu dự án BT, nhà đầu tư ứng trước tiền giải phóng mặt bằng; sau khi thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, thực hiện đấu giá khu đất để thanh toán dự án BT. Tiền sử đụng đất, tiền thuê đất thu được sau khi có kết quả đấu giá sẽ được thanh toán trực tiếp cho nhà đầu tư BT, phần còn lại được nộp vào ngân sách nhà nước. Trường hợp chậm thanh toán, nhà đầu tư vẫn được tính chi phí lãi vay trong thời gian chậm thanh toán.

Phương án 2, thực hiện kết hợp đồng thời đấu giá đất và đấu thầu công trình BT. Nhà đầu tư chào đồng thời giá trị quỹ đất thanh toán và giá trị công trình BT. Giá trị quỹ đất được xác định trong hợp đồng. Tại thời điểm giao đất, cho thuê đất, không phải xác định lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhà đầu tư phải nộp.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên thực tế, cách tiếp cận nêu trên xoay quanh nguyên tắc ngang giá và thanh toán trên cơ sở tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất một lần tại thời điểm giao đất, cho thuê đất theo pháp luật về đất đai, pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Một số nước trên thế giới có biện pháp chia sẻ lại với nhà nước, người dân giá trị thăng dư của đất (địa tô chênh lệch) thông qua cơ chế cùng thực hiện dự án, mà không dựa vào nguyên tắc hiện đang áp dụng tại Việt Nam cho dự án BT (do giá trị địa tô phụ thuộc vào các yếu tố thị trường và chỉ hiện thực hoá khi có đầu tư”.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ ngành liên quan nêu quan điểm về 2 phương án nêu trên hoặc đề xuất phương án khác để tối đa hoá giá trị nguồn lực đất đai nhờ phát triển cơ sở hạ tầng như kinh nghiệm của một số nước để báo cáo các cấp lãnh đạo trong quá trình xây dựng Luật Đầu tư.

 

Theo Phương Dung/Dantri

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục