Vừa “thay máu” lãnh đạo, Vinaconex muốn “băm nát” KĐT kiểu mẫu Trung Hòa - Nhân Chính?

Việc Vinaconex đề xuất xây thêm tòa cao ốc 18 tầng tại khu đất dịch vụ ở KĐT Trung Hòa – Nhân Chính đang gặp phải sự phản đối quyết liệt của cư dân, họ cho rằng việc này sẽ phá vỡ quy hoạch khu đô thị từng được coi là kiểu mẫu của Hà Nội.

Cư dân lo lắng KĐT kiểu mẫu bị “băm nát”?

Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính nằm trên địa giới hành chính của phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) và phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) do Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư từng được coi là khu đô thị kiểu mẫu một thời.

Dự án có diện tích 32 ha, được phê duyệt lần đầu năm 1998, năm 2001 khởi công xây dựng, 2006 đưa vào vận hành. Khu dân cư hiện có 9 tòa nhà 17 tầng, 2 tòa nhà 18 tầng, 2 tòa nhà 24 tầng, 1 tòa nhà 34 tầng và 2 tòa nhà di dân 17 tầng… thuộc địa giới hành chính của 2 phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy và phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội.

Sau hơn 10 năm hoạt động, với sự gia tăng nhanh chóng của dân số và các tòa chung cư cao tầng đã khiến khu đô thị này trở nên chật chội, bí bách. Tính trung bình, mỗi tòa nhà có khoảng 500 – gần 1000 con người đang sinh sống tại đây.

Vừa “thay máu” lãnh đạo, Vinaconex muốn “băm nát” KĐT kiểu mẫu Trung Hòa - Nhân Chính? - Ảnh 1
Sau hơn 10 năm hoạt động, với sự gia tăng nhanh chóng của dân số và các tòa chung cư cao tầng đã khiến khu đô thị này trở nên chật chội, bí bách.

Tuy nhiên, mới đây Vinaconex đã tiếp tục đề xuất xây thêm tòa cao ốc 18 tầng tại khu đất dịch vụ ở khu đô thị này, việc này đang gặp phải sự phản đối quyết liệt của cư dân, họ cho rằng việc này sẽ phá vỡ quy hoạch khu đô thị từng được coi là kiểu mẫu của Hà Nội.

Nhiều cư dân lo ngại, Vinaconex xây dựng tòa nhà này để bán cho người dân đến ở làm tăng mật độ dân cư, gây quá tải về hạ tầng, giao thông khu vực và nghiêm trọng hơn sẽ phá vỡ quy hoạch khu đô thị đã được duyệt trước đó.

Đại diện hơn 700 hộ dân Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết thời gian qua đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan, chính quyền địa phương về việc khu vực này bị phá vỡ quy hoạch trong suốt 20 năm qua và đến nay vẫn chưa dừng lại.

Theo đó, Quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt năm 1998, Khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính có mật độ xây dựng 34,88% dự án có 8 tòa nhà cao trung bình 6,7 đến 7,5 tầng. Ba năm sau đó, quy hoạch đã điều chỉnh tăng gấp đôi về số toà nhà lên 16 tòa cao tầng. Chiều cao mỗi toà cũng tăng lên gấp đôi, dao động từ 9 đến 21 tầng. Và sau gần 20 năm, với nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hiện mật độ xây dựng Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính tăng lên hơn 50% với 16 tòa nhà cao tầng với chiều cao từ 17 đến 34 tầng.

Điều đáng nói, đề xuất xây thêm tòa nhà 18 tầng trong KĐT Trung Hòa – Nhân Chính mới đây của Vinaconex đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận. Đồng thời, Sở này cũng yêu cầu Vinaconex phối hợp với chính quyền để tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực đối với nội dung đã đề xuất.

Về việc này, thời gian qua, Vinaconex đã tổ chức 2 cuộc họp với người dân ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy và phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Tại 2 cuộc họp này, cư dân đều bày tỏ ý kiến phản đối việc xây dựng tòa nhà.

Vinaconex vừa “Thay máu” dàn lãnh đạo mới

Tháng 1/2019, Vinaconex đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2019 sau khi đã có sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp.

Cuộc họp bất thường này được tổ chức theo đề xuất của cổ đông mới là công ty TNHH An Quý Hưng – doanh nghiệp chi gần 7.400 tỷ đồng mua trọn lô gần 255 triệu cổ phiếu (chiếm tỷ lệ 57,71% vốn điều lệ) VCG do tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) bán hồi cuối tháng 11/2018.

Sau khi bán phần vốn Nhà nước, Vinaconex có 3 cổ đông lớn chiếm 87% vốn, gồm công ty An Quý Hưng nắm 57,71% vốn, Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ giữ 21,3% vốn và Đầu tư Star Invest nắm 7,57% vốn.

Tại cuộc họp, toàn bộ dàn lãnh đạo 12 người, bao gồm 7 nhân sự của HĐQT và 5 nhân sự của Ban Kiểm soát đã được bầu lại. Cổ đông mới thay thế toàn bộ Hội đồng quản trị của Vinaconex.

Vừa “thay máu” lãnh đạo, Vinaconex muốn “băm nát” KĐT kiểu mẫu Trung Hòa - Nhân Chính? - Ảnh 2
Ông Đào Ngọc Thanh - chủ tịch HĐQT Vinaconex.

Sau Đại hội, 7 thành viên mới trúng cử vào HĐQT bao gồm ông Thân Thế Hà, ông Nguyễn Quang Trung (2 đại diện do Viettel đề cử); ông Nguyễn Xuân Đông, ông Dương Văn Mậu, ông Bùi Tuấn Anh, ông Nguyễn Hữu Tới và ông Đào Ngọc Thanh ( 5 đại diện do HĐQT trước đó đề cử).

Trong các thành viên mới được bầu, 2 thành viên do Viettel đề cử có liên quan đến Liên doanh KĐT An Khánh, nơi công ty Bất động sản Phú Long nắm giữ 50% cổ phần. Bất động sản Phú Long thành viên của tập đoàn Sovico Holdings.

Trong 5 thành viên còn lại, ông Đông là CEO của An Quý Hưng, ông Dương Văn Mậu là Phó Tổng giám đốc hiện tại của Vinaconex và là chủ tịch nhiều công ty thành viên của tổng công ty này. Ông Bùi Tuấn Anh và ông Nguyễn Hữu Tới đến từ Vinaconex 12, một công ty mà Vinaconex sở hữu 36% cổ phần.

Đáng chú ý là ông Đào Ngọc Thanh, người sau đó đã được bầu làm chủ tịch HĐQT của Vinaconex.

Ông Thanh tốt nghiệp trường Đại học Xây dựng Hà Nội, chuyên ngành xây dựng và đã có 33 năm làm giảng viên tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ông Thanh người thường xuyên tư vấn cho các dự án. Ngoài ra ông từng nắm giữ vị trí điều hành cấp cao tại nhiều công ty xây dựng.

Năm 2004-2014, ông giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc CTCP Đầu tư và Xây dựng Thành Nam (Cotana Group).

Ông Thanh được biết đến như cha đẻ, CEO của dự án Ecopark - thành phố xanh lớn nhất miền Bắc.

Tuy nhiên, đấy là câu chuyện ở Ecopark. Còn tại Vinaconex, ông Đào Ngọc Thanh đang tham vọng đưa doanh nghiệp này lọt vào Top 3 doanh nghiệp xây dựng hàng đầu Việt Nam và muốn thương hiệu Vinanconex xuất hiện trên nhiều nóc tòa nhà.

Và một trong những dự án đầu tiên Vinaconex muốn gắn thương hiệu lên nóc tòa nhà là dự án tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, vốn đang bị cư dân phản đối vì mật độ xây dựng hiện rất cao, trong khi cơ sở hạ tầng lại đang rất hạn chế.


Hải Lan

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục