Sau sự cố sập cầu Ghềnh vào cuối tháng 3 vừa qua, nhiều khách hàng truyền thống chuyển sang vận chuyển bằng phương tiện khác, nên VNR cần nhiều thời gian để thu hút khách về lại với đường sắt.
Đường sắt mất 535 tỷ đồng do sự cố cầu Ghềnh
Theo báo cáo của Tổng công ty đường sắt VN (VNR), trong số 535 tỷ đồng thiệt hại, bao gồm giảm 471,6 tỷ đồng doanh thu, phát sinh 61,1 tỷ đồng chi phí tại các Công ty vận tải và 2,3 tỷ đồng doanh thu; 2,2 tỷ đồng chi phí tại Chi nhánh khai thác.
Tính chung toàn Tổng công ty sản lượng và doanh thu chỉ đạt hơn 80% (sản lượng đạt 88,1%, doanh thu đạt 86,9%) so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt, khả năng phục hồi sản xuất vận tải trong năm 2016 để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% sản lượng và doanh thu là không thực hiện.
Do đó, VNR đã xây dựng lại chỉ tiêu kế hoạch phấn đấu tăng trưởng về sản lượng, doanh thu đạt xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2015. Theo đó, tổng doanh thu hợp nhất là 7.901 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 185 tỷ đồng, cao hơn 74 tỷ đồng so với năm 2015.
Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất là 7.901 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 185 tỷ đồng (cao hơn 74 tỷ đồng so với năm 2015); tổng số nộp ngân sách Nhà nước (chưa tính các loại thuế phải nộp) 525 tỷ đồng; tàu đi đến đúng giờ phấn đấu đảm bảo tỷ lệ tàu khách đi đúng giờ đạt 99%, đến đúng giờ 80% trở lên (tàu Thống Nhất 85%).
Tàu TN1 đi qua cầu Ghềnh sau khi được khắc phục. Ảnh: VnExpress
Sự cố sập cầu Ghềnh xảy ra vào 11h30 ngày 20/3, một chiếc tàu kéo xà lan chạy trên sông Đồng Nai, khi đi qua cầu Ghềnh đã đâm gãy một móng cầu, 2 nhịp sập xuống nước.
Vụ tai nạn khiến cho tuyến đường sắt Bắc-Nam tê liệt trong một thời gian dài. Đến ngày 25/6 thì thông tuyến sau 96 ngày cắt đứt sau sự cố sập cầu Ghềnh.
Mai Anh (TH theo Thanh niên, TTXVN)