Nếu không làm nghiêm có thể ảnh hưởng đến thế hệ tiếp theo
PV: Thưa ông, như báo chí đã thông tin, việc nhà sản xuất nước C2 và Rồng đỏ dự kiến đền bù khoảng 3,9 tỉ đồng cho người tiêu dùng sau sự cố hàm lượng chì vượt mức cho phép. Số tiền này được cho là khó đến được tay người tiêu dùng bởi các rào cản về pháp lý và các chứng cứ cần thiết mà người tiêu dùng phải có trách nhiệm chứng minh. Ông có ý kiến như thế nào về việc này?
Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Theo tôi, con số 3,9 tỉ là không thuyết phục. Thứ nhất, mục đích 3,9 tỉ mà Cty URC làm việc với Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam là gì thì cần phải làm rõ. Nếu là bồi thường cho người bị xâm hại về sức khỏe tính mạng thì phải căn cứ vào bản án, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì mới chi trả. Tôi cho rằng đây chỉ là khoản tạm ứng ban đầu trên cơ sở tự nguyện của nhà sản xuất thì được. Chứ mà nói rằng đây là khoản tiền mà sẽ để trang trải cho tất cả các thiệt hại đã xảy ra kể từ thời điểm mà Thanh tra Bộ Y tế phát hiện cho đến khi kết thúc việc thu hồi toàn bộ sản phẩm thì 3,9 tỉ này không thuyết phục. Thực tế có thể xảy ra là khi anh uống một chai nước C2, nhiễm độc chì, anh bị ngộ độc, cơ thể phản ứng và phải đến cơ sở y tế cấp cứu thì số tiền không còn là 10.000 đồng nữa. Tuy nhiên nhà sản xuất họ không tư duy 40.000 sản phẩm là 40.000 bị hại được. Nhưng ở góc độ pháp lý cần xác định đó là số tiền tạm ứng trên cơ sở tự nguyện của nhà sản xuất chứ không thể coi là số tiền bồi thường cho người tiêu dùng được.
![Vụ C2, Rồng Đỏ nhiễm độc chì: Có thể rút giấy phép URC? - Ảnh 1 Vụ C2, Rồng Đỏ nhiễm độc chì: Có thể rút giấy phép URC? - Ảnh 1](https://static.kinhdoanhnet.vn/common/no-image.png)
Luật sư Nguyễn Phú Thắng
PV: Ông đánh giá như thế nào về mức độ nguy hiểm cho xã hội khi số lượng lớn sản phẩm nhiễm độc chì của nhà sản xuất này đã được tung ra thị trường trước đó?
Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Dưới góc độ xã hội, đạo lý, tôi cho rằng Cty URC phải đối diện với một sự thật rằng nguồn nguy hiểm cho xã hội mà xuất phát từ cơ sở, nhà máy của họ đưa ra cho thị trường 90 triệu dân Việt Nam, len lỏi vào những ngỏ, thôn xóm, làng bản, khuc vực rừng sâu xa... là sự thực. Cty URC phải ý thức việc đó, đối diện với việc đó. Có nghĩa là ở góc độ pháp luật thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự có thể trôi đi 20 năm, không chứng minh được. Nhưng dưới góc độ đạo đức kinh doanh Cty URC chắc chắn không thoát khỏi tòa án lương tâm, tòa án người tiêu dùng Việt Nam đối với thương hiệu của họ. Vì vậy, Cty URC phải có một cách hành xử phù hợp, phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức, đạo lý.
Dưới góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước cần yêu cầu Cty URC phải có cam kết chính thức và có sự giám sát của nhiều cơ quan, nhiều tổ chức đối với cam kết đó. Chẳng hạn như là có sự tham gia của Liên đoàn luật sư việt Nam, Bộ Y tế, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam... Thậm chí cả tòa án. Nội dung cam kết này cần phải công khai cho toàn thể người tiêu dùng Việt Nam biết được. Có như vậy mới tạo được áp lực ý thức khi mà trong quá khứ thể hiện rằng URC đã từng có sản phẩm nhiễm độc và không chủ động thu hồi cho đến khi cơ quan Y tế buộc phải thu hồi. Chúng ta không thể lơ là chuyện này được vì nó có ảnh hưởng lâu dài, không phải thế hệ chúng ta mà còn thế hệ tiếp sau nữa.
3,9 tỉ là cái tạm tính, đây là con số đối ứng với sản phẩm không thu hồi được. Cái này rõ ràng không thuyết phục.
Nếu làm nghiêm có thể thu hồi giấy phép kinh doanh?
PV: Mặc dù mức độ nguy hại có thể là rất lớn cho cộng đồng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng khó có thể khởi tố hình sự với nhà sản xuất. Ý kiến của ông về việc này thế nào?
Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Có thể khởi tố vụ án hình sự hay không, sau kết luận thanh tra việc này rõ ràng là đối với quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 đang có hiệu lực thì các hành vi vi phạm về VSATTP có thể bị xử lý theo nhiều hình thức khác nhau.. Một là khởi tố hình sự, hai là xử phạt hành chính , ba là có thể là thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp không thời hạn hoặc có thời hạn tùy theo tính chất, mức độ của hành vi mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ ra quyết định tương ứng. Tội vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định tại điều 244 Bộ Luật hình sự năm 1999 sẽ rất khó cho cơ quan tiến hành tố tụng để khởi tố một vụ án hình sự vì tính chất của tội phạm này phải thỏa mãn các yếu tố bắt buộc. Cơ quan tố tụng phải chứng minh được tại thời điểm trước khi có sản phẩm thành phẩm, trong công đoạn sản xuất, đóng chai, kiểm tra người ta nhận thức được rằng cái sản phẩm đó là đã bị nhiễm độc chì hoặc có nguy cơ nhiễm độc chì cao tới mức là không thể sử dụng được và gây nguy hại cho sức khỏe nhưng người ta vẫn thực hiện công việc được giao cũng như là với ban Giám đốc, Tổng giám đốc của URC hay là những người có thẩm quyền của URC cũng như vậy, họ phải nhận thức được nguồn nguyên liệu đầu vào không đảm bảo tiêu chuẩn VSATTP nhưng vẫn chỉ đạo sản xuất đưa ra thị trường. Đó là điều kiện thứ nhất cơ quan điều tra phải chứng minh được nếu muốn khởi tố hình sự.
Điều kiện thứ hai là hậu quả xẩy ra trên thực tế, hiện nay thì cũng chưa thấy có một trường hợp cụ thể nào có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng vì đã sử dụng C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì gây hiện tượng lâm sàng hoặc cận lâm sàng mà nguyên nhân trực tiếp từ hai sản phẩm này. Đây là điều hết sức khó khăn cho cơ quan tố tụng chứng minh. Trên thực tế sản phẩm nhiễm độc chì này sẽ tùy từng cơ địa, sức khỏe người tiêu dùng mà có những ảnh hưởng tác động khác nhau. Có người phản ứng ngay, có những người về lâu dài sẽ có tác động. Việc chứng minh này là rất khó.
Người tiêu dùng khó có thể nhận được tiền đền bù từ URC
Tuy nhiên Bộ luật hình sự 2015 thì quy định cụ thể hơn đối với nhóm tội phạm này. Điều luật dự kiến sẽ có hiệu lực 1/1/2017 có điểm mới đó là pháp nhân sẽ phải là đối tượng chịu trách nhiệm hình sự nếu pháp nhân đó vi phạm quy định pháp luật Việt Nam. Trách nhiệm hihnf sự của pháp nhân lại không loại trừ trách nhiệm của cá nhân. Có nghĩa là vừa khởi tố hình sự pháp nhân nhưng đồng thời vẫn khởi tố hình sự cá nhân trong pháp nhân đó.
PV: Trước khi bị chính thức thu hồi thì các sản phẩm trên của URC đã bị Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (NIFC, Bộ Y tế) xét nghiệm phát hiện các mẫu sản phẩm có hàm lượng chì vượt mức cho phép, như Cty URC vẫn bán sản phẩm ngoài thị trường không thu hồi ngay cho đến khi Bộ Y tế buộc phải thu hồi có thể là căn cứ thỏa mãn điều kiện khởi tố không thưa ông?
Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Nếu trên thực tế có kết luận như vậy nhưng sau đó bằng cách nào đó mà không được làm rõ thì rõ ràng có vấn đề. Tôi cho rằng ở đây là mấu chốt làm căn cứ củng cố thêm điều kiện khởi tố vụ án hình sự. Rằng người có hành vi đã biết được rằng nguồn thực phẩm của họ không đảm bảo VSATTP theo quy định của pháp luật Việt Nam dựa trên kết quả kiểm nghiệm của NIFC, đối chiếu với quy định tại điều 244 Bộ Luật hình sự thì có dấu hiệu của việc thỏa mãn điều kiện là nhà sản xuất đã biết được sản phẩm này có thể gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng , cho xã hội, nhưng vẫn cứ tiếp tục sản xuất, phân phối, tiêu thụ thì ở đây điều kiện thừ nhất đã thỏa mãn. Tuy nhiên điều kiện bắt buộc tiếp theo là hậu quả thực tế thì lại rất khó chứng minh.
PV: Nếu hiện tại chưa thể chứng minh, thì 10 hay 20 năm nữa nếu chứng minh được thì URC có còn phải chịu trách nhiệm?
Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Dưới góc độ pháp luật thì các tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì đều có thời hiệu của nó để khởi tố vụ án. Ví dụ theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 1999 thì thời hiệu để khởi tố một vụ án hình sự thứ tự là 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm. Và như vậy thì kể từ ngày phát hiện ra hành vi và như vậy thì đối với hành vi của Cty URC để khởi tố vụ án hình sự thì chúng ta phải căn cứ vào thời hiệu. Tuy nhiên nếu với tội phạm liên quan đến lợi ích quốc gia, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với xa hội thuộc nhóm không xác định thời hiệu. Thời hiệu để người tiêu dùng khởi kiện dân sự URC là 2 năm kể từ ngày phát hiện và biết được vụ việc. Dưới góc độ Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Vam có thể khởi kiện được, còn tại sao họ không làm thì tôi không biết. Họ có quyền đứng đơn khởi kiện một vụ án dân sự trong vụ việc này.
PV: Cảm ơn ông
Hữu Nam