VPBank tham vọng lợi nhuận 10.000 tỷ, giá cổ phiếu vẫn giảm sâu

Đặt mục tiêu lợi nhuận 10.000 tỷ trong năm 2018, VPBank tham vọng đứng đầu mảng khách VIP, nhưng vẫn không thể bỏ mảng cho vay tiêu dùng dù tỷ lệ nợ xấu, nợ khó đòi của mảng này rất lớn.

VPBank tham vọng lợi nhuận 10.000 tỷ, giá cổ phiếu vẫn giảm sâu - Ảnh 1

Bước vào mảng cho vay tiêu dùng từ năm 2010, nhưng phải đến năm 2015 VPBank mới chính thức tách mảng tín dụng tiêu dùng sang một pháp nhân độc lập mới là Công ty tài chính VPB FC – FE Credit.

Năm 2015, lợi nhuận trước thuế (LNTT) của VPBank đạt 3.096 tỷ đồng, trong đó, vay tiêu dùng từ Công ty tài chính VPB FC (FE Credit) đóng góp gần 1.100 tỷ đồng tương đương 35% lợi nhuận của VPBank.

Sang năm 2016, FE Credit đóng góp khoảng 1.500 tỷ đồng trong tổng số 4.929 tỷ đồng LNTT của VPBank, tương đương 30%.

Trong năm 2017, VPBank đặt mục tiêu kế hoạch LNTT ở mức 6.800 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2016. Tổng tài sản theo kế hoạch đạt mức 280.645 tỷ đồng, huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá tăng 26,3% ước đạt 217.732 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng ở mức 12% với mức cho vay khách hàng dự kiến là 182.433 tỷ đồng.

Kết thúc quý II/2017, ngân hàng báo lãi trước thuế 3.264 tỷ đồng. Trong đó, khoản đóng góp của ngân hàng và Fe Credit lần lượt là 1.949 tỷ đồng và 1.315 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng, VPBank mới chỉ đạt 48% kế hoạch cả năm 2017 và Fe Credit vẫn đóng góp lợi nhuận lớn.

VPBank tham vọng lợi nhuận 10.000 tỷ, giá cổ phiếu vẫn giảm sâu - Ảnh 2


Thực tế, việc cho vay tiêu dùng đem lại lợi nhuận cao cho VPBannk, nhưng nợ xấu của mảng cho vay tiêu dùng cũng rất lớn. 

Kết thúc năm 2015, tổng nợ xấu của ngân hàng này tăng mạnh 58% lên 3.145 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 1.354 tỷ đồng. 

Năm 2016, tổng nợ xấu của VPBank hợp nhất ở mức hơn 4.012 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu chiếm 3,09% tổng dự nợ cho vay. Trong đó, nợ xấu riêng ngân hàng VPBank ở mức 2.383 tỷ đồng, chiếm 2,35%, còn tỷ lệ nợ xấu tại công ty tài chính FE Credit lên đến 5,69%, với 1.629 tỷ đồng nợ xấu. 

Trong nửa đầu 2017, nhờ vào việc tăng cường thực hiện một loạt các biện pháp xử lý nợ xấu, VPBank cũng chỉ thu hồi được 404 tỷ đồng tiền nợ xấu. 

Kết thúc quý 2, nợ xấu của VPBank vẫn tăng 22% so với đầu năm, với hơn 4.558 tỷ đồng . Trong đó, nợ có khả năng mất vốn ở mức 1.093 tỷ đồng, tăng 22% trong khi nợ nghi ngờ cũng tăng 22,4%, lên 1.194 tỷ đồng. 

Tại buổi hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu VPBank mới đây, ông Nguyễn Đức Vinh - CEO của VPBank cho biết tham vọng của ngân hàng này là sẽ đạt được 10.000 tỷ đồng LNTT trong năm 2018.

Để đạt được tham vọng này, VPBank sẽ không buông FE Credit, dù lĩnh vực này vẫn khiến nợ xấu, nợ khó đòi ngân hàng này tăng thêm. Đồng thời, VPBank tham vọng sẽ đứng đầu mảng khách hàng VIP, như đã từng dẫn đầu mảng tài chính tiêu dùng.

Mặc dù đã đưa ra những tham vọng lớn về lợi nhuận cũng như chiến lược phát triển đầy tham vọng trong tương lai.

Tuy nhiên, không vì thế mà cổ phiếu VPB thăng hoa tăng giá khi chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán.

Cụ thể chào sàn ngày 17/8 với giá 39.000 đồng/cp, nhưng có thời điểm, cổ phiếu VPB giảm xuống 33.000 đồng/cp.

Ở phiên giao dịch thứ 2, ngày 18/8, giá cổ phiếu VPB của VPBank “bay hơi” 4,62%.
 

Những diễn biến cổ phiếu VPB những ngày tới vẫn còn là dấu hỏi, khi nhiều nhà đầu tư vẫn nghi ngờ về tính thực tế kế hoạch lợi nhuận của doanh nghiệp này.

Theo Ánh Phượng/ Báo Thời Đại

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục