Vốn hoá Hoà Phát bốc hơi hơn 8.200 tỷ đồng sau đại hội cổ đông

Vốn hoá Hòa Pháp “bốc hơi” hơn 8.200 tỷ đồng sau phát biểu không mấy lạc quan về tình hình kết quả kinh doanh quý 2 của chủ tịch Trần Đình Long tại đại hội cổ đông.

Vừa qua, CTCP Tập đoàn Hoà Phát (mã CK: HPG) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2022.

Tại đại hội cổ đông, Chủ tịch Trần Đình Long bất ngờ tiết lộ “Kế hoạch kinh doanh năm nay sẽ khó. Mọi người sẽ thấy kết quả kinh doanh thê thảm như thế nào, vì ngành thép không lợi nhuận”. Đây là thông tin cực sốc, vì được đích thân ông chủ lớn nhất của doanh nghiệp nói ra.

Vốn hoá Hoà Phát "bốc hơi" hơn 8.200 tỷ đồng sau đại hội cổ đông.
Vốn hoá Hoà Phát "bốc hơi" hơn 8.200 tỷ đồng sau đại hội cổ đông.

Ngay lập tức, thị trường chứng kiến cảnh bán tháo cổ phiếu HPG khi vừa bước vào phiên chiều. Từ sáng cổ phiếu này đã giảm, nhưng cũng mới quanh mức 2%. Ngay 30 phút đầu tiên buổi chiều, hàng chục triệu cổ phiếu HPG bị bán tống đi, đẩy giá xuống tận mức sàn. Đáng buồn là biến động của HPG đã ảnh hưởng dây chuyền sang các cổ phiếu cùng ngành: HSG, NKG cũng lao dốc giảm sàn ngay lập tức.

Với khối lượng cổ phiếu HPG đang niêm yết trên thị trường là hơn 4,47 tỷ cổ phiếu, như vậy trong ngày 24/5, tổng vốn hoá thị trường của Tập đoàn Hoà Phát đã mất hơn 8.200 tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản chứng khoán của ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát với tư cách là cổ đông lớn nhất của công ty với số lượng cổ phiếu HPG đang nắm giữ tính đến ngày 31/3/2022 là gần 1,17 tỷ cổ phiếu ( tương ứng 26,08% cổ phần) cũng đã giảm tới 2.157,8 tỷ đồng.

Diễn biến kém tích cực không chỉ diễn ra đối với riêng HPG mà cả dòng chứng khoán ngành thép đều giảm mạnh trong phiên hôm nay như VGS (-5,5%), NKG (-5,5%), SMC (-5%), HSG (-4,5%), TLH (-4,2%), ….

Về mục tiêu kinh doanh 2022, lãnh đạo tập đoàn chia sẻ, mục tiêu kinh doanh năm 160.000 tỷ đồng doanh thu và 25.000-30.000 tỷ đồng lợi nhuận  là thách thức với các thành viên ban điều hành. Bởi giá nguyên vật liệu tăng mạnh do xung đột Nga- Ukraine; Trung Quốc duy trì chính sách Zero Covid làm cho nhu cầu giảm,... Theo đó, Hòa Phát sẽ ưu tiên quản trị tốt hàng tồn kho, theo sát diễn biến giá nguyên liệu, có chính sách điều tiết hợp lý; tiêu thụ hết số lượng sản phẩm sản xuất ra; tiếp tục dẫn đầu thị phần toàn quốc về thép xây dựng và ống thép-tôn mạ trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thép. 

Về dài hạn, ông Trần Đình Long cho biết, Hòa Phát sẽ không ngừng lại, sẽ liên tục tiến lên, vươn tầm khu vực. Tập đoàn đang triển khai dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 và nghiên cứu một khu liên hợp thép khác. Khi hoàn thành, sản lượng thép của Hòa Phát sẽ là 14 triệu tấn, lọt Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2025.

Tập đoàn Hòa Phát bị Ủy ban Chứng khoán xử phạt 

Ngày 18/5, Tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long bị phạt tiền 125 triệu đồng theo quy định tại điểm a Khoản 6 Điều 15 Nghị định số 156/2020 ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020) được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021 ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020.

Nguyên nhân là tập đoàn này hiện không có thành viên Hội đồng quản trị độc lập theo quy định tại Khoản 4 Điều 276 Nghị định số 155/2020 ngày 31/12/2020 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, theo đó, không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

Theo báo cáo quản trị công ty, tại thời điểm 31/3, Hội đồng quản trị Hòa Phát có tổng cộng 7 thành viên. Trong đó, ông Trần Đình Long đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch. 3 Phó chủ tịch là ông Trần Tuấn Dương, ông Nguyễn Mạnh Tuấn và ông Doãn Gia Cường. 2 thành viên còn lại của Hội đồng quản trị là ông Hoàng Quang Việt và ông Nguyễn Việt Thắng.

Ngọc Diễm

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục