Với nhiều lỗi vi phạm, Cienco 4 bị phạt hơn 690 triệu đồng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán và buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 (Tập đoàn CIENCO4) với nhiều lỗi vi phạm.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành Quyết định số 1180/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán và Quyết định số 1181/QĐ-KPHQ về việc buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco 4 (Công ty) (Địa chỉ trụ sở chính: Tầng 10-11, Tòa nhà ICON4, số 243A Đê La Thành, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội), cụ thể như sau:

Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4. Ảnh: Internet.
Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4. Ảnh: Internet.

Công ty bị phạt tiền 65.000.000 đồng (Sáu mươi lăm triệu đồng) đối với hành vi công bố thông tin (CBTT) không đúng thời hạn theo quy định pháp luật theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) (Công ty CBTT không đúng thời hạn theo quy định pháp luật các tài liệu.

Phạt tiền 65.000.000 đồng (Sáu mươi lăm triệu đồng) đối với hành vi CBTT không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP (Báo cáo tình hình quản trị Công ty năm 2022, 2023 không ghi nhận đầy đủ số lượng các cuộc họp HĐQT và các Nghị quyết HĐQT. Tài liệu họp các kỳ họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của Công ty không bao gồm dự thảo Nghị quyết để thông qua từng vấn đề tại ĐHĐCĐ và Phiếu biểu quyết).

Phạt tiền 125.000.000 đồng (Một trăm hai mươi lăm triệu đồng) đối với hành vi vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 15 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP (Nghị định số 128/2021/NĐ-CP) (Theo danh sách cổ đông do Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam chốt ngày 26/3/2024, CTCP Dịch vụ và Đầu tư Trustlink (Trustlink) là cổ đông của Công ty; tuy nhiên, từ ngày 01/4/2024, Công ty đã sử dụng tiền thu được từ Đợt chào bán ra công chúng năm 2023 để cho Trustlink vay theo các Hợp đồng cho vay đã ký).

Phạt tiền 350.000.000 đồng (Ba trăm năm mươi triệu đồng) đối với hành vi thay đổi phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không thông qua ĐHĐCĐ theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 10 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP (Theo phương án sử dụng vốn thu được từ Đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng năm 2023 đã được thông qua tại Nghị quyết ĐHĐCĐ số 01/2022/NQ-ĐHĐCĐ ngày 29/4/2022 và tại Nghị quyết HĐQT số 33/2022/NQ-HĐQT ngày 31/10/2022, số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được sử dụng để (1) Thanh toán các khoản nợ của Công ty vay Ngân hàng; (2) Thanh toán các khoản công nợ dự kiến phải trả cho các nhà thầu phụ và nhà cung cấp hàng hóa/dịch vụ; (3) Thanh toán tiền mua nguyên vật liệu, vật tư; (3) Ứng trước cho nhà thầu; (4) Thanh toán chi phí quản lý. Tuy nhiên, từ ngày 11/5/2023 đến ngày 18/5/2023, Công ty đã sử dụng 600 tỷ đồng thu được từ Đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng năm 2023 để cho Trustlink vay. Như vậy, Công ty đã thay đổi phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán với giá trị thay đổi lớn hơn 50% số tiền thu được từ đợt chào bán (1.123,6 tỷ đồng) mà chưa được ĐHĐCĐ thông qua).

Biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng: buộc thông qua ĐHĐCĐ gần nhất về việc thay đổi phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng năm 2023 theo quy định tại điểm b khoản 8 Điều 10 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP đối với hành vi thay đổi phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không thông qua ĐHĐCĐ;

Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và những nội dung trực tiếp liên quan đến việc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 51 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 42 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP.

Phạt tiền 92.500.000 đồng (Chín mươi hai triệu năm trăm nghìn đồng) đối với hành vi không báo cáo đối với thông tin phải báo cáo theo quy định pháp luật theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 43 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP (Ngày 03/3/2022 và ngày 10/5/2023, HĐQT thông qua Quyết định số 2338/QĐ-HĐQT và Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐQT về việc sử dụng số tiền tạm thời nhàn rỗi để gửi/cho vay/mua chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn ngắn hạn tại các tổ chức tài chính, số tiền tối đa không quá 555 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty không báo cáo UBCKNN về việc thay đổi phương án sử dụng vốn thu được từ Đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng năm 2022 và Đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng năm 2023 theo mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán).

Tổng số tiền phạt là 697.500.000 đồng (Sáu trăm chín mươi bảy triệu năm trăm nghìn đồng).

PV

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục