Vợ đại gia thu chục tỷ,tỷ phú Thái kiếm bộn từ Vinamilk

Vợ Chủ tịch TGDĐ thu hàng chục tỷ khi thoái bớt vốn ở công ty chồng, tỷ phú Thái sắp nhận hơn 400 tỷ từ Vinamilk...là tin nổi bật trong tuần.

Vợ Chủ tịch TGDĐ thoái bớt vốn ở công ty chồng

Bà Phan Thị Thu Hiền, vợ Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài, thoái bớt vốn ở công ty của chồng vì nhu cầu tài chính cá nhân.

Bà Phan Thị Thu Hiền thông báo bán thành công 500.000 cổ phiếu Thế giới Di động theo phương thức thỏa thuận trong 2 ngày 9-10/12. Sau giao dịch trên, bà Hiền giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ từ 2,5 xuống còn 2 triệu đơn vị, tương ứng 0,4% cổ phần Thế giới Di động.

Bà Hiền là vợ ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động.

Vợ đại gia thu chục tỷ,tỷ phú Thái kiếm bộn từ Vinamilk - Ảnh 1
Vợ ông Nguyễn Đức Tài thoái bớt vốn ở công ty chồng, thu về gần 60 tỷ đồng

Theo dữ liệu giao dịch, trong 2 phiên 9-10/12, có đúng 500.000 cổ phiếu Thế giới Di động được sang tay theo hình thức thỏa thuận với giá trị giao dịch 58 tỷ đồng. Như vậy, đây chính là giao dịch bán cổ phiếu của vợ Chủ tịch Thế giới Di động.

Trong cơ cấu sở hữu tại Thế giới Di động, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài chính là cổ đông cá nhân lớn nhất, sở hữu 2,7% cổ phần, tương ứng số lượng hơn 12 triệu đơn vị. Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Thế giới Bán lẻ do ông Tài làm giám đốc đồng thời là cổ đông lớn nhất tại Thế giới Di động với 11,4% cổ phần, sở hữu 51,5 triệu cổ phiếu.

Tỷ phú Trần Đình Long muốn thoái vốn mảng nội thất

Hội đồng Quản trị Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa có quyết định cơ cấu lại mô hình tổ chức kinh doanh với các tổng công ty phụ trách từng lĩnh vực hoạt động riêng biệt.

Theo đó, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long sẽ chia các mảng kinh doanh cốt lõi cho 4 tổng công ty trực thuộc gồm Tổng công ty Gang Thép; Tổng công ty Ống thép và Tôn mạ màu; Tổng công ty Phát triển Nông nghiệp; Tổng công ty Phát triển Bất động sản.

Đáng chú ý, cùng với kế hoạch chia tách lĩnh vực kinh doanh về các tổng công ty nói trên, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long dự kiến thoái toàn bộ vốn khỏi ngành nội thất trong năm 2021.

Nguyên nhân được ban lãnh đạo Hòa Phát lý giải do ngành nội thất mang tính chất thủ công, kinh tế gia đình, sử dụng nhiều lao động phổ thông, không phù hợp mô hình sản xuất quy mô lớn, sử dụng dây chuyền máy móc hiện đại tiên tiến của tập đoàn hiện nay.

Trước đó, Công ty CP Ôtô Trường Hải (Thaco) cũng có kế hoạch tái cấu trúc theo hướng chia tách công ty hiện tại thành hai phần riêng biệt gồm Thaco và Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group).

Trong đó, Thaco Group sẽ sở hữu toàn bộ vốn góp, cổ phần cũng như các quyền và lợi ích phát sinh trong các công ty thuộc lĩnh vực nông nghiệp, bất động sản, logistics… Thaco sẽ vận hành và kinh doanh mảng sản xuất ôtô và cơ khí.

Tương tự, Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) cũng thành lập 4 mảng kinh doanh chính gồm M&E, bất động sản, nước và năng lượng; hay Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam – Gelex (GEX) cũng chia các đơn vị quản lý trong mảng sản xuất công nghiệp và hạ tầng.

Tỷ phú Thái Lan sắp nhận hơn 400 tỷ đồng từ Vinamilk

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa thông báo nội dung chi tiết về việc tạm ứng cổ tức đợt 2 của năm 2020 bằng tiền mặt. Vinamilk sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 5/1/2021 và thanh toán cổ tức ngày 26/2/2021 với tỷ lệ 10% (mỗi cổ phiếu nhận được 1.000 đồng).

Với gần 2,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, công ty sẽ chi 2.090 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.

Trong cơ cấu sở hữu của Vinamilk, cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với 36% cổ phần. Nhóm cổ đông Thái Lan F&N nắm giữ 20,4% vốn Vinamilk.

Đây là các doanh nghiệp thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, ông chủ tập đoàn ThaiBev và Sabeco. Cổ đông lớn còn lại là quỹ Platinum Victory của Tập đoàn Hong Kong Jardine Matheson với 10,6% cổ phần.

Như vậy, SCIC sắp thu về 752 tỷ đồng tiền cổ tức từ Vinamilk. Nhóm cổ đông F&N của tỷ phú Thái Lan nhận 426 tỷ và quỹ Platinum Victory sẽ bỏ túi 222 tỷ đồng.

Đại gia ngân hàng có thêm tỷ đô

Cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu của nhà ông Trần Hùng Huy vẫn trên đà tăng giá sau khi đã bứt phá khoảng 60% kể từ mức 17.000 đồng/cp hồi cuối tháng 7 (giá điều chỉnh) lên mức 27.300 đồng/cp như hiện tại.

Với hơn 2,16 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, mức tăng giá trên đã giúp các cổ đông của ACB có thêm khoảng 1 tỷ USD, nâng tổng vốn hóa của ngân hàng này lên hơn 59 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 2,5 tỷ USD).

Nhà ông Trần Hùng Huy ghi nhận khối tài sản tăng lên tương ứng theo tốc độ tăng giá của cổ phiếu ACB. Chủ tịch Trần Hùng Huy nắm giữ 3,43% cổ phần tại ACB. Mẹ ông Hùng Huy - bà Đặng Thu Thủy - là thành viên HĐQT ACB. Trong khi đó, bố ông Hùng Huy là ông Trần Mộng Hùng đã nghỉ.

Sở dĩ cổ phiếu ACB tăng mạnh là bởi ngân hàng này tiếp tục ghi nhận hoạt động tốt, vượt qua ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 giống như phần lớn ngân hàng khác. Bên cạnh đó, câu chuyện chuyển lên sàn chứng khoán TP.HCM và thương vụ hợp tác với hãng bảo hiểm Sun Life... thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Sau khi chuyển lên sàn HOSE, ACB lọt vào một số rổ chỉ số quan trọng như VN30, VN Diamond, VNFIN Lead,... qua đó hút dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư dài hạn, các tổ chức đầu tư nước ngoài.

Minh Thái

Báo Đất Việt
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục