VNE: Áp lực trả nợ gốc trong năm 2014 là rất lớn

Với khoản nợ vay ngắn hạn chiếm ưu thế, đặc biệt là đối với khoản nợ gốc trái phiếu 245 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 10, TCT Cổ Phần Xây dựng Điện Việt Nam (HOSE: VNE) có thể trả từ những nguồn nào?

Quý 1/2014 tiếp tục lỗ vì công trình chậm tiến độ

Doanh thu hợp nhất quý 1/2014 của TCT Cổ Phần Xây dựng Điện Việt Nam giảm mạnh gần 47.9% so với quý 1/2013 khi chỉ đạt 56.5 tỷ đồng; lợi nhuận gộp cũng chỉ đạt 10.4 tỷ đồng, giảm 42.7%.

Hoạt động kinh doanh chính vẫn chưa khởi sắc khi lỗ 5.7 tỷ đồng, trong trong khi cùng kỳ lỗ chỉ lỗ 4.7 tỷ đồng. Hoạt động khác lỗ thêm 4.65 tỷ đồng đã khiến cho lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ âm 9.8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 4 tỷ đồng.

Hoạt động tài chính là mảng tích cực nhất của VNE trong quý 1/2014. Tuy vẫn chịu khoản lỗ tài chính hơn 6.2 tỷ đồng nhưng đã giảm khá nhiều so mức lỗ 13.4 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động tài chính cải thiện nhờ vào: (i) phát sinh khoản lãi tiền gửi, cho vay 3.5 tỷ đồng, và (ii) hoàn nhập dự phòng đầu tư chứng khoán 3.6 tỷ đồng.

VNE giải trình nguyên nhân doanh thu và lợi nhuận giảm sút là nhiều công trình xây lắp điện không thực hiện đúng tiến độ.

Tính đến cuối quý 1/2014, tổng tài sản của VNE là 1,770 tỷ đồng; tập trung chủ yếu ở khoản phải thu ngắn hạn 577 tỷ đồng và khoản mục chi phí xây dựng dở dang 651 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của VNE – Tỷ đồng

VNE: Áp lực trả nợ gốc trong năm 2014 là rất lớn - Ảnh 1

Khoản phải thu với các cá nhân Lâm Phúc Lâm và Lã Thị Thuỳ Vân lên tới 182 tỷ đồng

Theo BCTC hợp nhất quý 1/2014, khoản phải thu ngắn hạn của VNE lên đến gần 653 tỷ đồng dù đã giảm mạnh 21.3 % so với cuối năm 2013. Trong đó, khoản phải thu khác chiếm tỷ trọng cao nhất với 344 tỷ đồng, chiếm gần 52.6% tổng khoản mục phải thu ngắn hạn. Khoản mục phải thu khác bao gồm 35.5 tỷ đồng phải thu các đơn vị liên kết của VNE và các khoản phải thu khác 305.4 tỷ đồng. Đáng chú ý là trong 305.4 tỷ đồng khoản phải thu khác lại có khoản mục phải thu đối với 2 cá nhân Lâm Phúc Lâm và Lã Thị Thuỳ Vân lên tới 182.5 tỷ đồng.

Dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi cuối quý 1/2014 là 76 tỷ đồng, chiếm 11.6% tổng khoản mục phải thu ngắn hạn.

Mắc kẹt ở các dự án bất động sản và thủy điện

Tính đến hết quý 1/2014, giá trị các dự án dở dang của VNE là 651 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở các dự án xây dựng thuỷ điện và bất động sản lớn như:

- Dự án Khu đô thị Mỹ Thượng - Thừa Thiên Huế 199 tỷ đồng.

- Dự án Siêu thị Green Mart - Đà Nẵng 59.3 tỷ đồng.

- Dự án Cao ốc VP VNECO tại Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM 52.6 tỷ đồng.

- Dự án xây dựng tại 277 Bến Bình Đông (Mêca VNECO) 97.9 tỷ đồng.

- Dự án thuỷ điện Hồi Xuân 227.7 tỷ đồng.

Giá trị tăng thêm ở các dự án trong danh mục của VNE trong quý 1 khá ít ỏi, tập trung nhiều nhất ở Dự án Khu đô thị Mỹ Thượng - Thừa Thiên Huế với giá trị tăng thêm gần 5 tỷ đồng, trong khi các dự án còn lại chỉ trên dưới 1 tỷ đồng.

Trả nợ gốc từ nguồn nào?

Tổng nợ vay của VNE tính đến cuối quý 1/2014 là 554 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn là 423 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 131 tỷ đồng. Nợ vay của VNE hiện đang được tài trợ chủ yếu bởi: BID với 141 tỷ đồng, phát hành trái phiếu 245 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Hàng hải – MaritimeBank 90 tỷ đồng, VCB hơn 44 tỷ đồng và CTG gần 9 tỷ đồng.

Theo BCTC năm 2012 thì tổng giá trị trái phiếu mà VNE phát hành lên tới 350 tỷ đồng cho 4 ngân hàng và 2 tổ chức tài chính, bao gồm: Techcombank (70 tỷ đồng), Sacombank (STB, 140 tỷ đồng), OceanBank (28 tỷ đồng) SeABank (70 tỷ đồng), Bảo hiểm BIDV (BIC, 7 tỷ đồng) và SSI (35 tỷ đồng). Lãi suất khoản trái phiếu này không thấp hơn 14%/ năm, với thời hạn trái phiếu 2 năm và ngày 31/10/2014 sẽ là ngày đáo hạn toàn bộ khoản trái phiếu này.

Với khoản nợ vay ngắn hạn chiếm ưu thế thì rõ ràng áp lực trả nợ gốc của VNE trong năm 2014 là rất lớn, đặc biệt là đối với khoản nợ gốc trái phiếu 245 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 10.

Hiện dòng tiền hoạt động của VNE đang phụ thuộc chủ yếu vào các dự án xây lắp. Trong quý 1/2014, dòng tiền hoạt động của VNE tiếp tục âm 6.8 tỷ đồng, năm 2013 cũng không khả quan khi âm 61.9 tỷ đồng. Do đó, khó có thể kỳ vọng các hoạt động xây lắp hiện tại có thể giúp VNE thanh toán khoản nợ gốc trái phiếu.

Nhiều khả năng, VNE sẽ:

(i) Thúc đẩy mạnh hoạt động thu hồi các khoản phải thu ngắn hạn của mình.

(ii) Vay để đảo nợ, giống như cách đã phát hành trái phiếu để thanh toán các khoản phải trả của công ty trước đây.

(iii) Thanh lý các dự án đầu tư đang “mắc kẹt”, chủ yếu là các dự án bất động sản và thủy điện; nhiều khả năng sẽ là dự án thuỷ điện Hồi Xuân (227.7 tỷ đồng) khi báo cáo thường niên năm 2013 cho thấy đây là dự án mà VNE sẽ tìm cách thoái vốn.

Theo Công lý

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục