VN-Index 'hạ nhiệt' trong tuần đầu vận hành hệ thống KRX

Sau chuỗi 4 phiên tăng điểm kể từ khi hệ thống KRX chính thức đi vào hoạt động, VN-Index ghi nhận nhịp điều chỉnh đầu tiên trong phiên 9/5.

Dù vậy, chỉ số VN-Index vẫn trụ vững trên ngưỡng hỗ trợ quan trọng MA200 – tương đương vùng 1.265 điểm – cho thấy lực cầu chưa bị triệt tiêu và xu hướng hồi phục chưa bị phá vỡ.

Chốt phiên, VN-Index giảm nhẹ 2,5 điểm, dừng tại 1.267,3 điểm. Thanh khoản trên HoSE tiếp tục duy trì ở mức cao với hơn 17.000 tỷ đồng được giao dịch, dù có giảm nhẹ so với phiên liền trước.

Trạng thái giằng co chiếm ưu thế suốt cả phiên giao dịch, khi thị trường thiếu động lực dẫn dắt đủ mạnh. Sắc đỏ chiếm ưu thế khi toàn sàn HoSE có 174 mã giảm so với 136 mã tăng. Tương tự, trên sàn HNX, có tới 99 mã giảm, trong khi chỉ có 70 mã tăng và 59 mã tham chiếu. Tình hình trên sàn UPCoM có phần tích cực hơn khi ghi nhận tới 181 mã tăng, nhiều hơn đang kể so với 120 mã giảm và 133 mã đi ngang.

VN-Index có pha giảm điểm đầu tiên kể từ khi vận hành KRX
VN-Index có pha giảm điểm đầu tiên kể từ khi vận hành KRX

Trong rổ VN30, cổ phiếu LPB nổi bật với mức tăng 4,39%, nối dài chuỗi phiên tích cực. FPT, SAB, VNM và TCB cũng góp phần giữ nhịp cho thị trường khi duy trì được sắc xanh, dù mức tăng chỉ quanh 1%. Ở chiều ngược lại, VIC quay đầu giảm 2,55%, gây áp lực đáng kể lên chỉ số. Các mã lớn khác như BID, VCB, BVH và PLX tiếp tục điều chỉnh nhẹ.

Dòng tiền có dấu hiệu suy yếu rõ rệt ở nhóm chứng khoán khi hầu hết cổ phiếu trong ngành đồng loạt nhuộm đỏ. Chỉ còn VIX, APG và VND giữ được sắc xanh, nhưng mức tăng không đáng kể. SSI, HCM, MBS, FTS hay DSC đều lùi hơn 1%, cho thấy tâm lý chốt lời đã hiện diện sau nhịp hồi phục mạnh.

Ở nhóm ngân hàng, xu hướng phân hoá vẫn chưa kết thúc. VAB gây chú ý với mức tăng 4,5%, trong khi LPB tiếp tục bứt tốc. Trái lại, các ông lớn như BID, CTG, MBB và VCB đồng loạt điều chỉnh quanh ngưỡng 0,5%, khiến lực đỡ từ "cổ phiếu vua" chưa đủ mạnh để kéo thị trường.

Tín hiệu tích cực tiếp tục được ghi nhận ở nhóm cổ phiếu thép. Các mã vốn hóa nhỏ như POM và SMC tăng trần, thanh khoản bùng nổ. Riêng SMC có phiên tăng trần thứ hai liên tiếp, cho thấy sự quan tâm đáng kể từ dòng tiền đầu cơ. Tuy nhiên, các mã lớn như HPG, HSG hay NKG chủ yếu đi ngang. Điều này cho thấy dòng tiền vẫn chưa thực sự lan tỏa toàn bộ ngành này.

Tại nhóm bất động sản, QCG duy trì sắc tím, BCR tăng hơn 5%, trong khi một số mã như HQC, CEO, DXG giữ được sắc xanh nhưng đà tăng đã suy yếu rõ rệt. Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu như KDH, NVL, NTL chịu áp lực điều chỉnh 1-2%.

Giao dịch của khối ngoại trở thành điểm trừ của phiên giao dịch hôm nay khi các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 88 tỷ đồng trên HoSE. Các mã bị bán mạnh bao gồm VCB (-185 tỷ đồng), VHM (-134 tỷ đồng), NVL (-90 tỷ đồng),... Ở chiều ngược lại, các mã được quan tâm gồm có FPT (+70 tỷ đồng), MBB (+64 tỷ đồng), HPG (+62 tỷ đồng),...

Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, việc VN-Index duy trì đóng cửa trên mốc 1.265 điểm – tương ứng với đường trung bình động 200 ngày (MA200) – cho thấy chỉ số đã chính thức vượt qua ngưỡng kháng cự quan trọng. Pha điều chỉnh trong phiên 9/5, vì vậy, không được đánh giá là tín hiệu tiêu cực.

Mặt khác, diễn biến này đã nằm trong kịch bản dự báo của nhiều công ty chứng khoán. Theo Chứng khoán Vietcap, vùng 1.260 – 1.263 điểm đang đóng vai trò là vùng hỗ trợ gần. Nếu áp lực cung tiếp tục được kiểm soát, chỉ số có khả năng hướng tới thử thách vùng kháng cự kế tiếp quanh 1.300 – 1.310 điểm trong ngắn hạn.

Tương tự, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận định chỉ số có thể hướng tới vùng 1.275 - 1.313 điểm trong ngắn hạn, nhưng cảnh báo nguy cơ chốt lời khi chỉ số tiến sát vùng 1.270 điểm – trùng với đường MA200. Trong bối cảnh đó, TPS khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược giải ngân thăm dò khi thị trường điều chỉnh, thay vì mua đuổi trong các nhịp hưng phấn để tránh rủi ro mua đỉnh khi dư địa tăng giá không còn nhiều.

Dẫu vậy, việc VN-Index không thể duy trì sắc xanh trọn vẹn trong tuần đầu tiên vận hành hệ thống KRX cũng ít nhiều khiến nhà đầu tư hụt hẫng. Trên các diễn đàn tài chính, cụm từ “Kéo Rồi Xả” - cách chơi chữ đầy ngụ ý từ tên viết tắt KRX - đã bắt đầu xuất hiện như một lời bình về tình hình thị trường. Dù chỉ mang tính đùa vui, cách ví von này cũng phần nào phản ánh tâm lý thị trường đang dần thận trọng hơn sau chuỗi tăng liên tiếp.

Hoàng Anh

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục