Đến tham dự buổi lễ có ông Phạm Quang Nguyên – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy huyện Tam Đảo cùng lãnh đạo các sở ban ngành, các nhà khoa học, đại diện các đơn vị tham gia thực hiện Dự án cùng đông đảo quần chúng nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Ông Lưu Văn Minh – Phó chủ UBND xã Hồ Sơn phát biểu tại lễ khởi công
Dự án bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử đền Chân Suối là công trình nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch mang ý nghĩa vô cùng to lớn về lịch sử, văn hóa của cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.
Đền Chân Suối Làng Hà, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc (Km 13, Quốc lộ 2B đường đi Tam Đảo). Nằm ở ngay bên dưới dòng Thác Bạc đổ xuống từ dãy núi Tam Đảo do hợp tất cả các ngọn nguồn lại thành con suối chảy quanh khu đền. Con suối thơ mộng xanh non của màu sự sống, trên mặt nước sương mờ phảng phất, huyền ảo khí thiêng, được gọi là đền Chân Suối. Ngôi đền tọa lạc trong khuôn viên 1500m2, dưới chân núi Tam Đảo. Từ cửa đền nhìn ra phía Tây là vùng hồ rộng lớn, như một tấm gương khổng lồ tạc cảnh trời mây, núi, dáng núi, xã núi Ngang tự hình con voi nằm phủ phục, quay đầu về đền Chân Suối. Phía sau đền, quốc lộ 23 giống như hình con rồng uốn lượn giữa màu xanh bất tận đồng đồi. Phía Bắc đền, dòng suối Bạc mang linh khí tự mạch đất thiêng, nơi thượng sơn đổ vào lòng hồ, tỏa khắp các cánh đồng mênh mang sông lúa.
Các đại biểu cùng đông đảo bà con và khách thập phương tham dự buổi lễ
Trải qua nắng ngàn, mưa móc, cây đa đổ vào toàn tiền tế, mái sập, một cột trụ bị gãy, mất phần đèn lồng khiến ngôi đền bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1986, chính quyền địa phương, ngành văn hóa cùng bách gia trăm họ công đức. Dân làng Hồ Sơn đã dựng lại tiền tế theo kiểu quá giang gối tường. Ngày 23/6/2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra Quyết định 2082/QĐ -CT ngày 23/6/2016, "về việc phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Chân Suối, xa Hồ Sơn, Tam Đảo".
Các đại biểu làm lễ khởi công dự án
Theo đó, thời gian tu bổ, tôn tạo dự kiến trong vòng 2 năm (2016 - 2017). Tổng mức đầu tư khoảng gần 5 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Việc tu bổ, tôn tạo các hạng mục công trình của đền Chân Suối sẽ được thực hiện trên nguyên tắc gìn giữ, bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành di tích, phù hợp kiến trúc truyền thống và phát huy giá trị di tích.
Đền Chân Suối sẽ được tu bổ, tôn tạo gồm đại đình 5 gian, hậu cung 3 gian có đao, các bộ vì theo kiểu thức “ chồng rường giá chiêng”.
Việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Chân Suối, một di tích văn hóa lịch sử thờ Quốc tổ mẫu Đào Liễu (mẹ đẻ của Quốc mẫu Tây thiên Lăng Thị Tiêu) được đánh giá là kịp thời và cần thiết để góp phần phát huy giá trị lịch sử của ngôi đền, cũng như đáp ứng hoạt động tín ngưỡng và nhu cầu văn hóa tâm linh tại địa phương.
Đức Nam