|
|
“Khúc mắc” giữa mua và bán
Theo phản ảnh của nhiều khách hàng, họ đang cảm thấy bị “ăn quả đắng” khi Công ty Cổ phần Fairy Land – Chủ đầu tư dự án Khu phố mới Fairy Town (triển khai tại TP. Vĩnh Yên) hiện đang huy động máy móc phương tiện tiến hành xây dựng trên những ô đất mà khách hàng đã bỏ tiền mua ở dự án này.
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn Đức cho biết, vợ chồng anh dành dụm nhiều năm trời, vay thêm của bên nội bên ngoại mới đủ số tiền hơn 1 tỷ đồng, đóng cho Chủ đầu tư để mua ô đất ODT 239 – theo hợp đồng mua bán giữa khách hàng với Chủ đầu tư dự án ký kết hồi tháng 8/2019.
“Đến ngày 12/6/2022 vô tình tôi phát hiện Công ty Fairy Land đang thi công đóng cọc móng trên ô đất ODT 239 mà tôi đã bỏ tiền mua. Việc làm này của công ty họ cũng không thông báo để tôi biết. Khi phát hiện sự việc, tôi vội vàng thông báo đến lãnh đạo Công ty Fairy Land, yêu cầu dừng thi công trên lô đất của tôi – do thời điểm ký hợp đồng mua nhà, tôi cùng Chủ đầu tư đã có thỏa thuận về việc khách hàng được phép lựa chọn nhà thầu.
Và Công ty Fairy Land, Chủ đầu tư dự án Khu phố mới Fairy Town cũng đã có ý kiến trong văn bản “đồng ý tạo điều kiện” để tôi có thể chủ động lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, bất chấp ý kiến của khách hàng, Công ty Fairy Land vẫn tiếp tục thi công trên lô đất ODT 239 của tôi. Là một khách hàng của dự án, tôi cảm thấy quyền lợi của mình không được Chủ đầu tư tôn trọng, và xem xét thấu đáo.” – anh Nguyễn Văn Đức cho biết.
Dự án Khu phố mới Fairy Town tại phường Tích Sơn, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, ban đầu có tên là Khu nhà ở Vĩnh Hà (theo Quyết định số 2087/QĐ-UBND ngày 26/7/2010 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc). Đến ngày 27/1/2022 UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng có Quyết định số 201/QĐ-UBND chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Khu phố mới Fairy Town của Công ty Cổ phần Fairy Land.
Nhiều khách hàng cho biết, từ năm 2019 Chủ đầu tư đã tiến hành bán sản phẩm cho những khách hàng có nhu cầu mua. Thời điểm đó, nhiều khách hàng cũng rất “cảnh giác” khi có đơn xin “thỏa thuận” với Chủ đầu tư về việc được quyền chủ động lựa chọn nhà thầu thi công, khi tiến hành triển khai xây dựng nhà sẽ báo Chủ đầu tư biết, để đảm bảo cảnh quan kiến trúc, chất lượng công trình, cũng như tiến độ. Và được đại diện Chủ đầu tư “đồng ý tạo điều kiện”.
Thực tế, trên “Hợp đồng mua bán nhà ở thấp tầng” các khách hàng cung cấp, điểm n, khoản 2 điều 4 cũng có nội dung quy định: “Trường hợp bên B (người mua) tự xây nhà ở, bên B phải đảm bảo thời gian thi công theo đúng yêu cầu và thông báo của bên A (bên bán). Hoàn trả toàn bộ hồ sơ, chứng từ khi xây dựng nhà ở”. Căn cứ quy định này, nên nhiều khách hàng của dự án Khu phố mới Fairy Town rất bức xúc, khi Chủ đầu tư tiến hành triển khai thi công trên ô đất của họ, mà không xem xét đến nội dung thỏa thuận giữa bên mua và bên bán.
Khách hàng “té ngửa”
Được biết, trước sự phản đối của nhiều người, ngày 17/6/2022 Công ty Cổ phần Fairy Land đã có buổi làm việc trả lời thắc mắc với khách hàng. Tại buổi làm việc, các khách hàng của dự án Khu phố mới Fairy Town đề nghị Chủ đầu tư không gây áp lực, không thúc ép khách hàng; thực hiện đúng theo các hợp đồng và biên bản đã ký với khách hàng; không có động thái can thiệp tác động vào ô đất mà các hộ dân đã mua, trước khi hai bên thống nhất được các vấn đề liên quan.
Trả lời thắc mắc của khách hàng, ông Đỗ Ngọc Hà, đại diện Công ty Cổ phần Fairy Land cho biết một thực tế khiến nhiều khách hàng “choáng váng, té ngửa”: Tiến độ thực hiện dự án đã hết hạn từ năm 2021, và mới đây Công ty mới được điều chỉnh tiến độ thực hiện đến năm 2024.
Về quyền sở hữu lô đất của nhiều trường hợp khách hàng đã ký hợp đồng mua bán, Lãnh đạo Công ty Fairy Land cũng cho biết, hiện nay “quyền sở hữu lô đất” của các trường hợp này, vẫn thuộc quyền sở hữu của Công ty vì Giấy Chứng nhận quyền sở hữu vẫn mang tên Công ty Cổ phần Fairy Land. Hợp đồng ký với khách hàng thực tế chỉ là Hợp đồng mua bán nhà ở hình thành… trong tương lai. Trong đó, có phần tiền đất và tiền xây dựng, hiện nay khách hàng mới hoàn thành một phần tiền đất, chưa đóng tiền xây dựng.
Ý kiến từ phía lãnh đạo Công ty Cổ phần Fairy Land như trên đã khiến nhiều khách hàng “lặng ngắt người”, họ rất lo lắng trước khả năng trở thành nạn nhân của sự thiệt thòi. Các khách hàng đều cho rằng, căn cứ hợp đồng mua bán giữa Công ty Fairy Land và người mua, các khách hàng đã đóng đủ tiền sử dụng đất theo quy định của hợp đồng, mà quyền sở hữu lô đất vẫn thuộc Công ty Cổ phần Fairy Land là một bất ngờ khiến họ “té ngửa”.
Pháp Luật và Xã hội
In bài viết