Vingroup xây dựng nhà máy sản xuất vắc-xin 200 triệu liệu/năm tại Hòa Lạc

Tập đoàn VinGroup sẽ xây dựng nhà máy sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 tại Khu đô thị Hòa Lạc (TP Hà Nội) với công suất dự kiến 100-200 triệu/năm.

UBND TP Hà Nội vừa chấp thuận cho phép tổ chức thi công xây dựng trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 17 đối với 5 công trình. Trong đó có Dự án Nhà máy sản xuất vắc-xin được xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất) do CTCP Nghiên cứu và Sản xuất Vinsmart làm chủ đầu tư.

TP Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư, nhà thầu phải có phương án, kịch bản duy trì thi công, đảm bảo phòng chống dịch, gửi UBND quận, huyện, thị xã chấp thuận và giám sát thực hiện.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến về sản xuất vắc-xin phòng chống Covid-19 trong nước do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hôm 23/7, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ báo cáo, làm rõ tiến độ, kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, sản xuất vắc-xin trong nước thời gian qua.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Về chuyển giao công nghệ, Tập đoàn VinGroup đã tiếp cận đàm phán chuyển giao công nghệ với Công ty Acturus, Hoa Kỳ. Dự kiến tháng 8/2021 có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. Sau khi hoàn thành thử nghiệm sẽ triển khai sản xuất tại nhà máy ở Hòa Lạc, thành phẩm sẽ có mặt trên thị trường dự kiến vào 2022.

Nhà máy dự kiến có công suất 100 đến 200 triệu liều/năm, vắc-xin sản xuất bằng công nghệ mRNA. Đây là công nghệ tương tự việc sản xuất vắc-xin Pfizer và cũng là vắc-xin dạng đông khô giống Pfizer, nhưng nhiệt độ bảo quản 2-8 độ C, khác với Pfizer bảo quản ở nhiệt độ âm sâu (âm 75 đến âm 85 độ C).

Ngày 7/6 vừa qua, HĐQT Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) đã công bố thông tin về việc thành lập CTCP Công nghệ Sinh học VinBiocare (VinBiocare) với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Trong đó, Vingroup sở hữu 69%, tương ứng 138 tỷ đồng.

Liên quan đến VinBiocare, chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 diễn ra mới đây, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cho biết, đây là công ty kinh doanh, là hướng sản xuất kinh doanh mới của tập đoàn. Doanh nghiệp làm dự án vắc xin hoàn toàn là phi lợi nhuận, hoàn toàn không nhắm đến câu chuyện kinh doanh ở đó. Thậm chí, tập đoàn có thể chấp nhận rủi ro ban đầu để có thể ký hợp đồng sớm, làm sớm, thử nghiệm các loại vắc xin cho dù chưa chắc chắn các loại vắc xin đó có thể sẽ thành công sau giai đoạn 3. 

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục