“Ngập” trong tiền
Công ty Cổ phần VNG, hay còn được biết đến với tên gọi quen thuộc Vinagame, nhiều năm nay luôn là công ty dẫn đầu trong làng game Việt Nam. Những cái tên như Võ Lâm Truyền Kỳ, Kiếm Thế, Boom, Gunny… đã trở nên quá quen thuộc trong lòng đông đảo những người chơi game.
Nhưng không chỉ có game, Vinagame còn là chủ sở hữu của một loạt sản phẩm mà nhiều người Việt đang sử dụng hàng ngày như: Ứng dụng nhắn tin gọi điện Zalo, Loạt sản phẩm trực tuyến mang thương hiệu Zing như Zing mp3, Zing TV hay mạng xã hội Zing me…

Zalo là sản phẩm nổi tiếng bậc nhất của CTCP VNG (Vinagame). Ảnh: VNG
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016 của CTCP VNG thì Vinagame hiện đang nắm trong tay tới 656 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, bao gồm: 1,3 tỷ đồng tiền mặt, 238,3 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, 1,5 tỷ đồng tiền đang chuyển và 415,8 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng và hưởng lãi suất từ 4,35%/năm đến 5,5%/năm.
Tổng lượng tiền này chiếm tới 1/4 tổng tài sản 2.715 tỷ đồng mà Vinagame đang có.
Nhưng lượng tiền và tương đương tiền này chưa phải là tất cả. Vinagame hiện đang có 280 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn còn lại dưới 1 năm đang chờ đến ngày đáo hạn. Lãi suất tiền gửi của khoản tiền này có biên độ rất rộng, từ 0%/năm đến 7,5%/năm.
Nếu tính thêm lượng tiền “khủng” này thì tổng lượng tiền mà Vinagame nắm giữ đang chiếm tới 1/3 tổng tài sản của công ty này.
“Không thèm” vay nợ
Vinagame là một trong những công ty hiếm hoi không vay nợ một đồng nào.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016 thì Tổng nợ phải trả của Vinagame đang là 319 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó không hề một khoản vay nợ nào mà chủ yếu là các khoản phải trả, các khoản thuế phải nộp và phải trả Nhà nước và doanh thu chưa thực hiện.

Vinagame hoàn toàn không vay nợ tính đến hết quý I/2016. Ảnh: Zing.vn
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ quý I/2016 của Vinagame cũng để trắng hoàn toàn phần Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính.
Việc hoàn toàn không sử dụng đòn bẩy tài chính trong kinh doanh cho thấy, ban lãnh đạo Vinagame đang rất hài lòng với nguồn lực tài chính mà họ đang có.
Cho CEO Lê Hồng Minh vay tới 251 tỷ đồng
Một trong những biểu hiện tiêu biểu nữa cho việc “thừa” tiền của Vinagame là công ty này đã cho Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Lê Hồng Minh vay dài hạn tới 251 tỷ đồng. Ông Lê Hồng Minh hiện đang nắm giữ 17,54% cổ phần của CTCP VNG (Vinagame).

CEO Lê Hồng Minh của VNG. Ảnh: Internet
Lãi suất của khoản vay này ở mức 4,2%/năm. Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng hiện đang cho vay với lãi suất không dưới 7%/năm.
Nắm giữ lượng tiền “khủng” chiếm tới 1/3 tổng tài sản, hoàn toàn không sử dụng đòn bẩy tài chính, thậm chí còn cho CEO vay dài hạn hàng trăm tỷ đồng, có thể thấy Vinagame đang “thừa” tiền như thế nào. Đây là một trong những điều kiện rất thuận lợi để Vinagame mở rộng không chỉ trong trong lĩnh vực kinh doanh hiện tại mà còn ở nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nữa.
Nên nhớ, Vinagame vừa đề xuất với các cổ đông mở rộng sang một loạt ngành kinh doanh mới như: sản xuất linh kiện điện tử; sản xuất vi tính và thiết bị ngoại vi máy tính; sản xuất thiết bị truyền thông; sản xuất đồ điện dân dụng; bán lẻ vi tính, thiết bị ngoại vi, truyền thông, phần mềm tại các cửa hàng chuyên doanh; bán lẻ thiết bị nghe nhìn trong các cửa hàng chuyên doanh; bán lẻ đồ điện gia dụng, giường, tủ, bàn, ghế và đồ nội thất tương tự, đèn và bộ đèn điện, đồ dùng gia đình khác trong các cửa hàng chuyên doanh.
Kình Dương