Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines – Mã: HVN) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 chưa kiểm toán.
Kết quả kinh doanh quý II của Vietnam Airlines (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý II)
Kết thúc quý II, Vietnam Airlines đạt 24.140 tỷ đồng doanh thu, trong đó doanh thu bán hàng chiếm 15% còn lại là doanh thu vận tải hàng không và hoạt động phụ trợ vận tải. Giá vốn tăng mạnh khiến biên lợi nhuận gộp của Tổng Công ty giảm còn 10%.
Trong kỳ, chi phí tài chính giảm mạnh tới 42% do lỗ tỷ giá chỉ còn gần 316 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ tới 838 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính lại giảm mạnh do giảm lãi chênh lệch tỷ giá 53% so với cùng kỳ.
Trong quý II/2019 tổng chi phí của Vietnam Airlines “ăn mòn” hết lợi nhuận gộp khiến doanh nghiệp báo lợi nhuận thuần âm 66 tỷ đồng do chi phí Công ty mẹ tăng 826 tỷ đồng vì tăng chi phí bảo dưỡng đại tu máy bay và chi phí thuê tàu (trong kỳ hãng nhận 7 tàu bay bao gồm A321NEO và A350).
Tuy nhiên nhờ xuất hiện khoản lợi nhuận khác từ thanh lý, nhượng bán tài sản mà hãng hàng không vẫn báo lãi 169 tỷ đồng quý II dù giảm tới 55% so với cùng kỳ năm 2018.
6 tháng, Vietnam Airlines đạt 49.676 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 4% còn lãi sau thuế giảm 9% còn 1.381 tỷ đồng. Sau nửa năm hãng đã thực hiện được 45% mục tiêu doanh thu và 52% lợi nhuận cả năm.
Trước đó, Tổng Công ty đã công bố kết quả kinh doanh ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng ước đạt 1.650 tỷ đồng. Tuy nhiên kết quả thực tế lại cao hơn 136 tỷ đồng so với ước tính (1.786 tỷ đồng).
Tại ngày 30/6 tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt 82.307 tỷ đồng với gần 10.119 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn.
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý II
Tổng nợ phải trả hết quý II là 37.444 tỷ đồng, gấp 2,14 lần vốn chủ sở hữu với ¾ khoản đi vay là nợ dài hạn. Trong khoản vay dài hạn có tới 23.699 tỷ đồng là nợ thuê tài chính.
Trong giai đoạn 2016 – nay, Vietnam Airlines không sử dụng nguồn vốn đầu tư mới đội bay (chuyển sang hình thức bán và thuê lại – Sale and Lease Back thay cho việc huy động vốn) nhưng vẫn đảm bảo đội bay khai thác tăng, lành mạnh các cân đối tài chính.
Vietnam Airlines cho biết tỷ lệ tàu sở hữu dự kiến sẽ giảm xuống dưới 50% so với mức 55% của năm 2018 trong giai đoạn 2021 – 2025. Các tàu bay cần bổ sung sẽ được thực hiện qua hợp đồng đầu tư kết hợp vay vốn hoặc Sale and Lease Back.
Ở thị trường nội địa, Vietnam Airlines đặt chỉ tiêu cho năm 2019 với thị phần tối thiểu ở mức 55%, chỉ tiêu khách luân chuyển tăng 12% so với năm 2018.
Để đáp ứng nhu cầu vốn sở hữu dành cho dự án, Vietnam Airlines dự kiến phát hành tăng vốn giai đoạn 2019 – 2025 đưa vốn chủ sở hữu đạt 29.500 tỷ đồng cuối năm 2025 và sẽ đảm bảo giai đoạn này hệ số nợ phải trả (không bao gồm thu bán)/vốn chủ sở hữu luôn dưới mức 3.
Bên cạnh việc chi mạnh cho đầu tư máy bay, Vietnam Airlines cũng lên kế hoạch bán 5 tàu bay A321 CEO sản xuất năm 2004 – 2005. 5 tàu này sẽ hết khấu hao vào năm 2020 – 2021. Tại ngày 28/2/2019 giá trị sở sách của các tàu bay này dao động từ 3 – 9 triệu USD/tàu bay. Tổng công ty dự kiến sẽ dừng các tàu bay này để bán từ sau cao điểm hè năm 2019.
Hoàng Kiều