VietinBank lì xì 11.800 tỷ đồng cho nhà đầu tư kiên nhẫn

Chỉ trong 1 phiên tăng trần, cổ phiếu CGT của VietinBank đã lì xì hơn 11.800 tỷ đồng cho những nhà đầu tư kiên nhẫn.

CTG nâng đỡ VN-Index

Cứ đến Tết, tâm lý thị trường thường “rã đám”. Nhà đầu tư thường có xu hướng sớm chốt lời hoặc cắt lỗ để yên tâm nghỉ Tết. Tuy nhiên, năm nay, diễn biến thị trường có chút lạc quan khi dòng tiền vẫn chực chờ săn cổ phiếu tốt.

Trong phiên chứng khoán 5/2, ở giờ mở cửa, VN-Index chỉ tăng khá nhẹ với dòng tiền tương đối yếu. Tuy nhiên, sự thăng hoa của cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã giúp VN-Index bứt tốc cùng với thanh khoản cải thiện.

Đóng cửa phiên chứng khoán 5/2, VN-Index dừng ở mức 1.186,06 điểm, tăng 13,51 điểm, tương đương 1,15%; VN30-Index tăng 22,6 điểm, tương đương 1,92% lên 1.197,36 điểm.

Chỉ trong 1 phiên tăng trần, cổ phiếu CGT của VietinBank đã lì xì hơn 11.800 tỷ đồng cho những nhà đầu tư kiên nhẫn. Ảnh minh họa

Chỉ trong 1 phiên tăng trần, cổ phiếu CGT của VietinBank đã lì xì hơn 11.800 tỷ đồng cho những nhà đầu tư kiên nhẫn. Ảnh minh họa

Toàn sàn ghi nhận 270 mã tăng giá, 72 mã đứng giá và 212 mã giảm giá. Nhóm VN30 có 21 mã tăng giá, 3 mã đứng giá và 6 mã giảm giá.

Thanh khoản phiên chứng khoán 5/2 cải thiện đáng kể khi có gần 875 triệu cổ phiếu, tương đương 19.194 tỷ đồng được giao dịch thành công. Nhóm VN30 có 337 triệu cổ phiếu, tương đương 9.135 tỷ đồng được chuyển nhượng.

Trong phiên chứng khoán 5/2, cổ phiếu CTG là blue-chip duy nhất tăng trần. CTG truyền cảm hứng cho cổ phiếu ngân hàng giúp nhóm ngành này đóng vai trò dẫn dắt thị trường.

Đóng cửa phiên chứng khoán 5/2, ACB tăng 1.550 đồng/CP, tương đương 5,9% lên 27.800 đồng/CP, MBB tăng 1.200 đồng/CP, tương đương 5,52% lên 22.950 đồng/CP, VIB tăng 950 đồng/CP, tương đương 4,69% lên 35.500 đồng/CP, TCB tăng 1.350 đồng/CP, tương đương 4,69% lên 21.200 đồng/CP,…

Ở chiều ngược lại, anh cả ngành ngân hàng là VCB lại bất ngờ sụt giảm. Chốt phiên đầu tuần, VCB giảm 300 đồng/CP, tương đương 0,33% xuống 90.000 đồng/CP.

Trong khi VN-Index và VN30-Index hưng phấn, HNX-Index lại chìm trong sắc đỏ. Đóng cửa phiên chứng khoán 5/2, HNX-Index giảm 0,28 điểm, tương đương 0,12% xuống 230,28 điểm; HNX30-Index giảm 1,2 điểm, tương đương 0,24% xuống 492,04 điểm.

Thanh khoản trên sàn Hà Nội trong phiên 5/2 đứng ở mức rất thấp. Chỉ có 72,7 triệu cổ phiếu, tương đương 1.380 tỷ đồng được giao dịch thành công.

VietinBank lì xì 11.800 tỷ đồng

Trở thành blue-chip duy nhất trong phiên chứng khoán 5/2, cổ phiếu CTG của VietinBank đã “lì xì” rất lớn cho những nhà đầu tư kiên nhẫn giao dịch trong ngày sát Tết.

Đóng cửa phiên chứng khoán 5/2, CTG tăng 2.200 đồng/CP lên 33.900 đồng/CP. Nhờ đó, vốn hóa thị trường VietinBank có thêm 11.814 tỷ đồng. Đó cũng là phần thưởng cho nhà đầu tư chỉ trong 1 phiên giao dịch.

Cùng với giá tăng vọt, CTG ghi nhận thanh khoản cao đột biến. Có tới gần 21,7 triệu cổ phiếu CTG được giao dịch thành công, tăng 17,2 triệu cổ phiếu, tương đương 382% so với phiên trước đó. Trong khi đó, giá trị giao dịch tăng 511 tỷ đồng, tương đương 239% lên 725 tỷ đồng.

Cổ phiếu CTG được nhà đầu tư săn mua sau khi nhà băng này công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 với nhiều tín hiệu lạc quan.

Theo đó, Lợi nhuận sau thuế quý 4/2023 của VietinBank tăng 1.858 tỷ đồng, tương đương 43,4% lên 6.143 tỷ đồng; lũy kế cả năm đạt 20.133 tỷ đồng sau khi tăng 3.149 tỷ đồng, tương đương 18,5% so với năm 2022.

Một số chỉ tiêu quan trọng khác của VietinBank đều tăng trưởng dương. Tại ngày 31/12/2023, Cho vay khách hàng tại VietinBank đạt 1.445.752 tỷ đồng, tăng 200.322 tỷ đồng, tương đương 16,1%; Tiền gửi của khách hàng đạt 1.410.899 tỷ đồng, tăng 161.723 tỷ đồng, tương đương 12,9% so với năm 2022.

Cùng với đó, tổng tài sản VietinBank cũng tăng mạnh, tăng 223.879 tỷ đồng, tương đương 12,4% lên 2.032.690 tỷ đồng.

Sự hưng phấn của CTG giúp cổ phiếu ngân hàng được đặt niềm tin nhiều hơn. Sau phiên chứng khoán 5/2, Công ty chứng khoán VCBS đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư: “Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tận dụng những phiên biến động mạnh trong giai đoạn cận kề kỳ nghỉ Tết Âm lịch dài ngày để cơ cấu lại danh mục theo hướng chốt lời từng phần những mã đã đạt mục tiêu hoặc đà tăng đang cho tín hiệu giảm tốc, đồng thời canh mua lại ở những nhịp rung lắc trong phiên nếu cổ phiếu điều chỉnh giảm về các vùng giá tốt hơn. Các nhóm ngành đáng chú ý trong giai đoạn này sẽ là ngân hàng - tài chính và logistic”.

PV

TEVN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục