VietinBank đẩy mạnh việc bán tài sản thế chấp

Mặc dù thị trường BĐS có dấu hiệu nguội, nhưng ngân hàng này cũng vừa có động thái tăng tốc rao bán các tài sản thế chấp.

Dồn dập rao bán bất động sản để thu hồi nợ

Trong tháng 9/2020, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) dự kiến đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Gnotech để xử lý, thu hồi nợ.

Theo đó, tài sản được bán đấu giá gồm máy móc, thiết bị sản xuất mặt kính cho các thiết bị điện tử được Gnotech đầu tư từ năm 2016. Ngoài ra, là toàn bộ nhà xưởng xây dựng trên khu đất tại Khu công nghiệp Biên Hòa II, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (thời gian thuê đất đến ngày 15/6/2025 và được bên thuê trả tiền hàng năm).

Mức giá khởi điểm của hai tài sản này là hơn 27,6 tỷ. Được biết, tài sản bán đấu giá trên được Gnotech đảm bảo cho khoản vay từ VietinBank với giá trị tính đến 31/7 là hơn 140,7 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc hơn 112,6 tỷ đồng, tiền lãi trong hạn khoảng 27,4 tỷ đồng và lãi quá hạn hơn 0,67 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhà băng này cũng vừa thông báo đấu giá hàng loạt khoản nợ có giá trị lớn hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, VietinBank Chi nhánh Đông Anh rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Cung ứng vật tư xây dựng Gia Bảo trị giá gần 149 tỷ đồng (tạm tính tới 31/7). Trong đó, khoản nợ gốc là 55,8 tỷ đồng và nợ lãi xấp xỉ 93 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm của khoản nợ này là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại tổ 50, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Khoản nợ thứ hai là của Công ty TNHH MTV Xây dựng Thủy Tiên có trị giá gần 71 tỷ đồng (tạm tính tới 31/7/2020). Trong đó, khoản nợ gốc có giá trị 24 tỷ đồng, nợ lãi là 46 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm của khoản nợ này là 12 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Bao gồm 5 lô đất nằm tại huyện Từ Liêm, 2 lô đất nằm tại quân Long Biên, một tại Thái Nguyên và các lô còn lại nằm ở một số quận, huyện khác ở Hà Nội như Cầu Giấy, Sóc Sơn, Đông Anh. Tổng giá trị khởi điểm của hai khoản nợ trên là 219 tỷ đồng, sẽ được đấu giá vào ngày 31/8.

Cách đó không lâu, VietinBank Chương Dương thông báo xử lí khoản nợ có tài sản bảo đảm của Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Ngọc Lâm. Khoản nợ ước tính đến cuối tháng 7 là 189 tỷ đồng và 397.942 USD, trong đó dư nợ gốc là hơn 13,5 tỷ đồng và 86.437 USD.

Tài sản thế chấp là toàn bộ nhà xưởng, thiết bị của nhà máy bia và mì gắn liền với đất thuê của UBND TP Hà Nội tại số 122 Vũ Xuân Thiều, phường Phúc Lợi, quận Long Biên. Một phần tài sản nằm trên diện tích đất do Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Ngọc Lâm thuê và một phần nằm trên diện tích đất của Hợp tác xã Cơ điện Ngọc Lâm thuê (bảo lãnh của bên thứ ba).

Lãi thuần gần 7800 tỷ trong quý II/2020

Nợ xấu của Vietinbank tăng 48% so với đầu năm, khiến tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,16% lên 1,7%. Về kết quả kinh doanh, theo BCTC hợp nhất quý II/2020, VietinBank báo lãi thuần 7.798 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 12% lên 1.102 tỷ đồng. Trừ chi phí, VietinBank lãi thuần trước trích lập gần 6% lên 6.692 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro giảm 47% so với cùng kỳ, giúp lợi nhuận trước thuế tăng 105% lên 4.485 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần 16.216 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối cải thiện 11- 32%. Trong khi đó, lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh chuyển tăng 1,9 lần lên 389 tỷ đồng và từ mua bán chứng khoán đầu tư chuyển từ lỗ 242 tỷ đồng sang có lãi 135,5 tỷ đồng. Chi phí hoạt động giảm 4% và chi phí dự phòng thấp hơn 10%, giúp lãi trước thuế tăng 40%, lên 7.460 tỷ đồng. Lãi sau thuế tăng tương đương, đạt 6.015 tỷ đồng.

Tổng tài sản đến cuối tháng 6 ở mức 1,24 triệu tỷ đồng, giảm so với đầu năm. Cho vay khách hàng trước dự phòng 941.487 tỷ đồng, tăng 0,7%. Đang chú ý, nợ xấu của Vietinbank lên đến 15.967 tỷ đồng, tăng 48% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 2,5 lần lên 7.155 tỷ đồng, chỉ xếp sau nợ nhóm 1. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,16% lên gần 1,7%.

 

 

Theo Nguoiduatin

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục