Ngày 22/5, đã diễn ra lễ ký kết bộ hồ sơ sáp nhập PGBank vào VietinBank và đến 25/5, sự kiện tương tự cũng sẽ diễn ra với MHB và BIDV.
Trước khi diễn ra sự kiện trên, hai ngân hàng trong vai tiếp nhận nói gì về những cuộc “hôn nhân” này?
Thêm kênh bán
Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho biết, ngày 22/5, VietinBank chính thức tiếp nhận PGBank (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xăng dầu Petrolimex), mở ra nhiều cơ hội.
Trước hết, VietinBank tăng thêm quy mô và năng lực tài chính. Ông Thọ nói: “Khi sáp nhập, với VietinBank, tổng tài sản tăng trên 25 nghìn tỷ đồng; vốn điều lệ tăng 3 nghìn tỷ đồng, trở thành ngân hàng đứng đầu hệ thống về vốn điều lệ; số dư tín dụng tăng khoảng 15 nghìn tỷ đồng và huy động vốn tăng trên 18 nghìn tỷ đồng”.
Ngoài ra, VietinBank có điều kiện mở rộng thêm mạng lưới chi nhánh khi thừa hưởng giấy phép 16 chi nhánh, 63 phòng giao dịch và quỹ tiết kiệm từ mạng lưới PGBank.
Nhờ đó, VietinBank sẽ vươn tầm hoạt động các tuyến xã, thôn và cung cấp dịch vụ ngân hàng tới 2.200 cây xăng trong hệ thống Petrolimex và 4.000 cây xăng đại lý của Petrolimex.
Đặc biệt, đi cùng với hồ sơ pháp lý sáp nhập PGBank, VietinBank còn ký thêm thỏa thuận hợp tác toàn diện với Petrolimex mà theo đó, với thời hạn hợp tác tối thiểu 10 năm, không hủy ngang, VietinBank có thể độc quyền bán các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng qua hệ thống nội bộ và đại lý của “đại gia” xăng dầu này.
Còn với thương vụ BIDV sáp nhập MHB (Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long), BIDV thành lập hẳn “ban chỉ đạo sáp nhập MHB vào BIDV”, theo Quyết định số 25/QĐ-Ngân hàng Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.
Ban này cho biết, sau sáp nhập, tổng tài sản BIDV tăng thêm 46 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,3 tỷ USD; vốn điều lệ tăng thêm 3.400 tỷ đồng.
Riêng về mạng lưới, BIDV sẽ có thêm 240 điểm giao dịch và mối quan hệ đại lý với gần 300 ngân hàng trong và ngoài nước tại 50 quốc gia trên thế giới.
Riêng về mảng bán lẻ, BIDV cũng được hưởng thụ hệ thống ATM của MHB đã được chấp nhận thanh toán tại các liên minh thẻ Banknetvn, Smartlink và thẻ mang thương hiệu Visa/Plus, MasterCard, Diners Club, JCB, American Express, UnionPay.
Ngoài ra, Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà khẳng định, sau khi sáp nhập, BIDV sẽ đẩy mạnh hoạt động mảng khách hàng nông nghiệp, nông thôn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vốn không phải thế mạnh truyền thống của ngân hàng này.
“Bở hơi tai”
Ông Thọ cũng thừa nhận, mặc dù giao dịch sáp nhập PG Bank vào VietinBank được xây dựng trên cơ sở tự nguyện và nguyên tắc khách quan, minh bạch, phù hợp với thông lệ thị trường và tuân thủ các quy định của pháp luật, nhưng VietinBank vẫn nhận thức rõ những thách thức.
Đó là, việc hòa nhập trình độ nhân lực giữa hai ngân hàng, quá trình áp dụng chuẩn mực trên toàn hệ thống và sâu xa hơn là văn hóa doanh nghiệp.
Cùng đó, việc tích hợp hệ thống công nghệ thông tin cũng không đơn giản, bởi VietinBank là ngân hàng đứng đầu hệ thống về core banking trong khi hệ thống PGBank còn đơn giản, chi phí đầu tư thấp.
Ngoài ra, vấn đề chuẩn mực quản trị rủi ro cũng cần một thời gian mới thích ứng và hòa nhập.
“Để giải quyết những bất cập này, chúng tôi sẽ thành lập ban điều phối lâm thời thực hiện việc tiếp nhận trong thời gian từ 3 - 6 tháng. Thậm chí, có thể thuê đươn vị tư vấn để hỗ trợ trong quá trình chuyển giao và tái cấu trúc sau sáp nhập”, ông Thọ cho biết.
Với BIDV, ban chỉ đạo sáp nhập ngân hàng này cho biết, đáng lẽ với thời gian tiến hành phải từ 8 tháng đến 1 năm thì chỉ với “55 ngày thần tốc” như cách nói của ban này, mọi thứ đã êm xuôi.
Hầu như cả ngân hàng tập trung toàn lực để xây dựng đề án; tiến hành giám sát an toàn hoạt động MHB trong quá trình triển khai; triển khai các thủ tục pháp lý; xây dựng phương án tiếp nhận cụ thể các mặt hoạt động sau sáp nhập với yêu cầu đảm bảo hoạt động thông suốt.
Đi cùng với đó, BIDV cũng lập nhiều “ban, bệ”: ban chỉ đạo và tổ giúp việc; tổ giám sát hoạt động an toàn MHB; 7 nhóm khảo sát có trách nhiệm cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin vận hành; hội đồng bàn giao ngân hàng và tổ vận hành sau sáp nhập.
BIDV cũng cho biết thêm, trong hai ngày 23 và 24/5/2015, ngân hàng đã chỉ đạo các chi nhánh vận hành không tải, nôm na là “chạy thử”, và hoạt động diễn ra thông suốt.
Lãnh đạo VietinBank và BIDV xác nhận: trong gần hai tháng qua, khi thông tin sáp nhập được công bố, hoạt động rút tiền từ PGBank và MHB không có dấu hiệu bất thường, trong khi tiền gửi vẫn duy trì nhịp độ bình thường.
Ông Trần Bắc Hà nói: “MHB có thanh khoản tốt và nợ xấu rất thấp, trong khi Nhà nước còn nắm giữ trên 90% giá trị ngân hàng, nên thực tế, chỉ là việc ông chủ chuyển của cải của mình từ túi này sang túi khác”.
Đánh giá về cách thức tiến hành sáp nhập như nêu trên của Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia nói: “Đợt trước, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiến hành tái cấu trúc kiên quyết, nhưng lần này có vẻ nhẹ nhàng hơn. Thị trường tài chính vốn dĩ nhạy cảm, nên không phải lúc nào cũng nắn với bóp. Việc sử dụng ngân hàng lớn sáp nhập ngân hàng bé sẽ giảm gánh nặng cho Chính phủ trong việc ôm nợ xấu”.
Theo Vneconomy