VietCredit: Lãi suất cao từ cho vay cá nhân tiêu dùng "giải cứu" lỗ tàu biển

Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit) sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ trong mảng tàu biển, đã “phất lên” nhờ cho vay tiêu dùng lãi suất cao. Sang năm 2019, công ty đã “lội ngược dòng”, ghi nhận lãi thuần tới 97 tỷ đồng.

Rủi ro mang tên tàu biển

Năm 2014, VietCredit nhận gán nợ 3 tàu biển mang tên CFC 01 từ Công ty Cổ phần Vận tải Thủy bộ Hương Thịnh với giá trị 57 tỷ đồng (đã bao gồm VAT), tàu CFC 02 của Công ty TNHH Vận tải biển Mạnh Hà với giá trị gán nợ 51 tỷ đồng, tàu CFC 03 của Công ty Cổ phần Hương Thủy trị giá 28 tỷ đồng. Riêng tàu CFC 01, VietCredit phải chi thêm 3,5 tỷ đồng để hoàn thiện tàu.

Cả 3 con tàu trên có trọng tải toàn phần 3.050,8 tấn, tổng dung tích 1.599GT và Tổng công suất máy chính là 1.103KW.

Sau 5 năm sử dụng tàu với mục đích hợp tác, kinh doanh, VietCredit đã trích chi phí khấu hao 21 - 22 tỷ đồng mỗi tàu. Giá trị ghi sổ của tàu CFC 01 và CFC 02 vì thế giảm gần nửa. Riêng tàu CFC 03, đã được hóa giá còn 12,6 tỷ đồng. Tính ra, VietCredit phải trích chi phí khấu hao hàng chục tỷ đồng cho 3 con tàu này mỗi năm.

Được biết, kết quả khai thác và hợp tác kinh doanh 3 tàu trên giữa VietCredit và Công ty TNHH Vận tải biển Trường An lại không mấy khả quan. Mặc dù, hợp đồng hợp tác kinh doanh đã kết thúc từ ngày 1/10/2018, nhưng đến nay, Vận tải biển Trường An vẫn chưa thanh toán công nợ cho VietCredit. Hiện, VietCredit đang liên tục rao gọi, mời chào thầu hợp tác kinh doanh những con tàu này. Đến thời điểm cuối năm 2020, các tàu CFC 01, CFC 02, CFC 03 vẫn bị bỏ không, chưa được khai thác kinh doanh.

Cũng trong năm 2014, VietCredit nhận gán nợ thêm 2 tàu trên giấy, là tàu CFC 04 của CTCP Hương Thủy và CFC 05 của Công ty TNHH Tiến Thành. Đáng nói là, sau 6 năm, 2 con tàu này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, chưa thể đưa vào khai thác và sử dụng.

Theo hồ sơ, tàu CFC 04 và CFC 05 có tổng dung tích 1.590 GT, trọng tải toàn phần: 3.056 MT, tổng công suất máy chính là 882 KW. Chưa được hoàn thiện, 2 tàu trên vẫn được định giá lần lượt là 36 và 38 tỷ đồng.

Không hiểu vì lý do gì mà mất hơn 6 năm, VietCredit vẫn không thể hoàn thiện nổi một con tàu biển trọng tải 3.000 tấn? Trong khi đó, VietCredit đã tạm ứng 14 tỷ đồng chi phí hoàn thiện cho Công ty CP An Đông để cung cấp thiết bị, dịch vụ liên quan. Ngoài ra, VietCredit còn phải trả nhà cung cấp gần 3 tỷ đồng tiền chi phí hoàn thiện con tàu CFC 05 này. Dự toán chi phí hoàn thiện ban đầu cho tàu CFC 04 là 23,9 tỷ đồng và cho tàu CFC 05 là 20,1 tỷ đồng.

Trong tháng 11/2020, VietCredit tiếp tục mời gọi thầu hoàn thiện con tàu CFC 05, với thời gian hợp tác tối thiểu là 5 năm. Đây có thể là kỷ lục hoàn thiện tàu lâu nhất Việt Nam, thuộc về tàu CFC 04 và CFC 05 của VietCredit.

Tập trung cho vay lãi cao

Sau 10 năm hoạt động kém hiệu quả, phụ thuộc khách hàng vay của Vicem và VnSteel, từ quý 2/2018, VietCredit đã tái cơ cấu hoạt động, định hướng tập trung phát triển mảng cho vay tiêu dùng. Năm đầu tiên thử nghiệm với các khoản cho vay tiêu dùng, VietCredit ghi nhận mức lỗ 52 tỷ đồng.

Bất ngờ, sang năm 2019, tổng tài sản của VietCredit tăng 55,5% (tương ứng tăng 1.158 tỷ đồng), đạt 3.245 tỷ đồng. Kết quả hoạt động kinh doanh của VietCredit tăng vọt, báo lãi 14,4 tỷ đồng, nhờ chênh lệch thu nhập lãi và chi phí lãi.

Chỉ số NIM (thu nhập từ lãi biên) của VietCredit đạt 12,7%, rất cao so với ngưỡng tiêu chuẩn 2,5 - 4% của các tổ chức tín dụng. Điều này là dễ hiểu, do VietCredit hoạt động trong lĩnh vực cho vay rủi ro.

Trong năm 2019, VietCredit đã cho vay khách hàng được 1.860 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2018. Trong đó, chiếm 97,1% là cho vay cá nhân tiêu dùng. Mức lãi suất cho vay khách hàng bằng VND là 8 - 55%/năm.

Mặc dù từ năm 2011, các công ty tài chính được phép cho vay với lãi suất không bị giới hạn ở mức 150% lãi suất cơ bản của ngân hàng nhà nước (9%). Nhưng không vì thế mà lãi suất cho vay cao nhất bị buông lỏng, thiếu kiểm soát.

Theo Điều 468 quy định về Lãi suất trong Bộ Luật Dân sự 2015, mức lãi suất cho vay cao nhất hiện nay theo quy định là 20%/năm, thấp hơn nhiều so với mức lãi suất cho vay tới 55% của VietCredit.

Trong khi đó, VietCredit lại huy động vốn với lãi suất khá thấp, thông qua hình thức nhận ký quỹ, nhận vốn tài trợ, ủy thác đầu tư và phát hành chứng chỉ tiền gửi... Lãi suất huy động vốn ở mức 5 - 11%/năm, chỉ bằng 1/5 lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, cho vay lãi suất lớn luôn đi kèm với rủi ro. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của VietCredit trong năm 2019 đã tăng theo chiều thẳng đứng từ 0,6% lên 6%. Chưa kể, khoản lãi phải thu từ việc cho vay lên tới 49 tỷ đồng và nợ xấu bán cho VAMC là 241 tỷ đồng.

Không chỉ kinh doanh cho vay rủi ro, VietCredit còn mạo hiểm đầu tư góp vốn dài hạn, khi bỏ ra hàng chục tỷ đồng đầu tư, nhưng có thể mất trắng từ 70 – 100% số vốn. Cụ thể, VietCredit đầu tư gần 2,2 tỷ đồng vào Công ty CP Med-Aid Công Minh và có khả năng mất hoàn toàn số vốn này. Ngoài ra, VietCredit đầu từ 12,4 tỷ đồng vào Công ty Thép tấm lá Thống Nhất, nhưng phải trích lập dự phòng rủi ro cho khoản đầu tư này lên tới 8,2 tỷ đồng.

Không chỉ đầu tư “hào phóng” vào các công ty khác, VietCredit cũng không thuận lợi trong việc mua bán chứng khoán đầu tư và chứng khoán kinh doanh, với khoản lỗ hơn 8 tỷ đồng.

Chính vì vậy, VietCredit chấp nhận hi sinh 85% thu nhập lãi thuần để trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, hạ lợi nhuận từ 97 tỷ đồng xuống còn 14,4 tỷ đồng.

VietCredit đang có kế hoạch tiếp tục tập trung cho vay cá nhân tiêu dùng, cụ thể là phát triển thẻ vay với lãi suất cao để mang lại lợi nhuận về cho công ty. Từ đó, nhưng thiệt hại và chi phí khấu hao của các tàu biển gán nợ sẽ được bù đắp dù chưa được hoàn thiện hết. VietCredit dự tính, đến năm 2023, lợi nhuận của công ty sẽ đạt trên 100 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần lợi nhuận năm 2019.

khoahocdoisong
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục