Từ ngày 10-5, Ngân hàng (NH) TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) áp dụng điều kiện và điều khoản sử dụng dịch vụ NH điện tử mới đối với khách hàng cá nhân. Nhiều quy định trong đó được giới chuyên gia công nghệ và bảo mật cho rằng sẽ gây thiệt cho khách hàng, “đẩy khó” về phía khách hàng trong trường hợp xảy ra sự cố bảo mật.
Ai bảo đảm cho khách hàng?
Chẳng hạn, khách hàng không truy cập dịch vụ từ bất cứ thiết bị nào kết nối với hệ thống máy tính cục bộ (hay mạng LAN) nếu không bảo đảm rằng không ai khác có thể theo dõi hay sao chép việc truy cập của khách hàng. Đồng thời, khách hàng phải chịu trách nhiệm bảo đảm rằng thiết bị đầu cuối và các thiết bị khác mà khách hàng sử dụng để kết nối với các dịch vụ là không có và được bảo vệ chắc chắn khỏi virus cũng như các phần mềm máy tính gây hại…
Các chuyên gia cho rằng nhiều quy định về bảo mật sắp được Vietcombank áp dụng sẽ đẩy trách nhiệm cho người tiêu dùng Ảnh: TẤN THẠNH
Đến điều 10 về trách nhiệm của khách hàng với yêu cầu giao dịch gian lận, Vietcombank tiếp tục quy định “khách hàng cam kết chịu trách nhiệm cho tất cả các tổn thất và chi phí do các giao dịch gian lận đã được thực hiện, nếu khách hàng đã hành động thiếu cẩn trọng hoặc làm không đúng, không đầy đủ bất cứ nghĩa vụ bảo mật nào…”. Đáng lưu ý, các quy định này được Vietcombank ràng buộc về mặt pháp lý trong giao dịch cung cấp và sử dụng dịch vụ giữa khách hàng với NH.
Nhiều khách hàng đã phản ứng khi đọc các quy định mới này và cho rằng NH đang đẩy trách nhiệm về phía người dùng bởi thực tế, người dùng không thể giám sát được việc tài khoản, thông tin của mình có bị “theo dõi, sao chép” trong quá trình sử dụng dịch vụ NH điện tử.
Ông Nguyễn Thanh Hiếu (quận Tân Bình, TP HCM) cho biết đã đọc qua quy định mới của Vietcombank và thấy rằng điều kiện, điều khoản này gây khó khăn cho người dùng, nhất là với người không rành công nghệ, bảo mật. Họ không thể biết máy tính của mình có an toàn không, có chức năng bảo mật để bảo vệ họ khỏi virus, lừa đảo trên mạng hay không. Như vậy, làm sao họ có thể tự đối phó với hacker, lừa đảo? Chưa kể người dùng có thể giao dịch tại nhiều nơi khác nhau thì làm sao biết tất cả địa điểm này đều an toàn để mà giao dịch? “Nói chung, những quy định này đều hoàn toàn có thể gây khó khăn cho người dùng. Cá nhân tôi tương đối rành công nghệ nhưng nhiều khi cũng không thể biết máy tính của mình có bị nhiễm virus hay mã độc gì hay không để bảo đảm là tất cả giao dịch trên máy đều an toàn” - ông Hiếu nhận xét.
Chỉ nên cảnh báo thay vì bắt buộc
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng ATHENA TP HCM, cũng đánh giá những quy định, điều khoản về bảo mật của Vietcombank rất đánh đố, gây khó người dùng, nhất là với những người dùng không rành về công nghệ, bảo mật. Người dùng bình thường không thể biết được mạng LAN là mạng gì, biết được máy tính của mình có kết nối vào mạng LAN hay không khi thực hiện giao dịch. Ngay cả các chuyên gia, khi thực hiện các giao dịch tài chính cũng không chắc chắn sẽ an toàn 100%. “Tôi thấy các điều kiện, điều khoản mà Vietcombank đưa ra chỉ nên là cảnh báo, khuyến cáo với người dùng chứ không nên yêu cầu bắt buộc họ phải thực hiện. Vấn đề quan trọng là NH nên nâng cao công nghệ bảo mật, thường xuyên cảnh báo, khuyến cáo để người dùng cảnh giác” - ông Thắng nêu ý kiến.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Vietcombank khẳng định Vietcombank không phải là NH thương mại đầu tiên triển khai những quy định này vào trong điều khoản, điều kiện sử dụng dịch vụ NH điện tử. Việc thay đổi các quy trình và điều kiện, điều khoản phù hợp với xu thế phát triển chung của dịch vụ. Trước đây, Vietcombank thường xuyên đưa ra khuyến cáo khách hàng nhằm bảo đảm an toàn trong giao dịch NH điện tử, nay đưa vào quy định nhằm thêm một lần nhắc nhở khách hàng sử dụng dịch vụ an toàn hơn. Mục tiêu của NH khi đưa ra các quy định này nhằm công khai những cảnh báo theo thông lệ quốc tế khi mỗi sản phẩm dịch vụ cần có hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, trong đó có khuyến cáo cụ thể những điều cần phòng tránh.
Đại diện Vietcombank cũng khẳng định việc cụ thể hóa các nội dung về nghĩa vụ bảo mật trong quy định mới nhằm giúp khách hàng hình dung cụ thể hơn về các hoạt động bảo mật với tài khoản của mình chứ không phải đẩy trách nhiệm cho khách hàng. Thực tế, nhiều NH khác đang hoạt động tại Việt Nam cũng có điều khoản tương tự. Chẳng hạn, theo tìm hiểu của phóng viên, trong điều khoản sử dụng dịch vụ NH điện tử của NH TMCP Quốc tế (VIB) cũng quy định rõ khách hàng không được truy cập vào hệ thống dịch vụ bằng thiết bị kết nối với các mạng viễn thông không an toàn, trừ khi bảo đảm rằng không ai có thể lấy cắp hoặc sao chép hoặc đoạt quyền truy cập. Người dùng phải bảo đảm rằng thiết bị sử dụng để truy cập dịch vụ NH điện tử của VIB không bị nhiễm các mã độc hại…
Không nên phó mặc cho ngân hàng
Theo phó tổng giám đốc phụ trách mảng khách hàng cá nhân của một NH cổ phần tại TP HCM, việc đưa các quy định “nghĩa vụ bảo mật” của khách hàng vào điều khoản và điều kiện sử dụng dịch vụ NH là đồng thời quy định trách nhiệm của khách hàng, mang tính chất pháp lý, bắt buộc phải thực hiện và sẽ được xem xét trong trường hợp xảy ra sự cố. Trong khi đó, không phải khách hàng nào cũng biết rõ về những quy định này nên rất khó để khách hàng chịu trách nhiệm.
“Một số điều khoản chỉ nên dừng ở mức khuyến cáo thay vì bắt buộc khách hàng phải làm vì khi xảy ra sự cố bảo mật, mất tiền trong tài khoản… rất khó để họ chứng minh. Dù vậy, để tránh bị mất tiền oan trong tài khoản khi giao dịch, khách hàng nên chủ động tự bảo vệ mình thay vì giao hết trách nhiệm bảo mật cho NH” - vị này nhận xét.
Theo Thái Phương - Chánh Trung/Người lao động