VietBank: Ngân hàng nhỏ 'sống' trong im lặng

VietBank hiện là một trong những ngân hàng nhỏ nhất hệ thống, với quy mô vốn điều lệ chỉ vừa đủ để đáp ứng mức vốn pháp định (3.000 tỷ đồng).

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (VietBank) được thành lập vào tháng 12/2006, bao gồm các cổ đông là Ngân hàng Á Châu (ACB), Công ty Đầu tư và Phát triển Hoa Lâm, Công ty TNHH Xây Dựng Thương Mại Diệu Hiền. Đây là ngân hàng nhỏ với xuất phát điểm là một quỹ tín dụng nông thôn.

VietBank hiện là một trong những ngân hàng nhỏ trong hệ thống, với quy mô vốn điều lệ (3.249 tỷ đồng) chỉ vừa đủ để đáp ứng mức vốn pháp định (3.000 tỷ đồng). Tính đến giữa năm 2017, mạng lưới của VietBank mới có 96 điểm CN và PGD tại 11 tỉnh thành. Về sản phẩm cung cấp của VietBank, chủ yếu vẫn là huy động và cho vay.


Trước đây tại VietBank, ACB giữ tư cách là cổ đông sáng lập nhưng không công bố cụ thể khoản đầu tư tại ngân hàng này là bao nhiêu. Tuy nhiên, 2/8 thành viên HĐQT của VietBank lại có sự liên hệ đến ACB gồm bà Đặng Ngọc Lan (vợ ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB) và ông Trương Hùng.

Tại ACB, bà Lan đang giữ chức vụ Phó Ban Kiểm toán nội bộ còn ông Trương Hùng là Giám đốc Chi nhánh Phú Lâm (Quận 6).

Tuy nhiên, trong một động thái mới đây thì dường như "bầu" Kiên đang muốn thoái sạch vốn khỏi VietBank. Theo thông báo giao dịch cổ phiếu mới đây của Vietbank, ông Nguyễn Đức Kiên đã đăng ký bán toàn bộ hơn 6,6 triệu cổ phiếu, tương đương 2,035% vốn điều lệ tại ngân hàng. Thời gian thực hiện là từ 21/8-21/9/2018. Trước đó, hồi giữa tháng 8, bầu Kiên cũng đã có 1 lần đăng ký bán 6,6 triệu cổ phiếu Vietbank nhưng chưa thể thực hiện giao dịch do chưa thực hiện xong thủ tục lưu ký chứng khoán theo quy định.

VietBank: Ngân hàng nhỏ 'sống' trong im lặng - Ảnh 1


Ngoài bầu Kiên, bà Nguyễn Thúy Lan – em ruột của bầu Kiên cùng chồng và chị gái đã chuyển nhượng thành công lần lượt hơn 6,6 triệu cổ phiếu, 6,2 triệu cổ phiếu và 6,5 triệu cổ phiếu Vietbank từ ngày 24-25/2018.

Bà Đặng Ngọc Lan, vợ bầu Kiên đang là thành viên HĐQT ngân hàng, hiện nắm giữ 14,97 triệu cổ phần tại Vietbank. Trước đó, bà Ngọc Lan cũng đã đăng ký bán toàn bộ số cổ phiếu trên từ ngày 24-27/7 nhưng không thành công. Trong khi đó, bố mẹ của bà Ngọc Lan cũng đã bán gần 6,55 triệu cổ phần trong đợt đó và hiện còn nắm giữ lần lượt 3,54 triệu cổ phần và 3,94 triệu cổ phần tại Vietbank.

Như vậy, nhóm cổ đông liên quan đến bầu Kiên hiện chỉ còn nắm giữ hơn 29 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 8,95% vốn điều lệ tại ngân hàng.

Ngoài ra, đại gia thuỷ sản Diệu Hiền đình đám trên báo chí thời gian qua cũng có mối quan hệ cùng VietBank thông qua Công ty TNHH XD TM Diệu Hiền, đơn vị đồng sáng lập VietBank.

Mặc dù vẫn tồn tại, nhưng từ năm 2012 đến nay, thị trường không có bất kỳ thông tin nào về hoạt động của ngân hàng này như lợi nhuận, cổ tức, kết quả kinh doanh. VietBank mới chỉ chính thức được công nhận là công ty đại chúng từ ngày 17/4/2017, theo Công văn số 2028/UBCK-GSĐC của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Từ đây, công chúng mới có điều kiện tiếp cận các thông tin tài chính liên quan tới ngân hàng này.

Theo BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2012, Vietbank đạt lợi nhuận sau thuế 16.8 tỷ đồng trong năm 2012, lao dốc mạnh so với con số 364 tỷ đồng của năm 2011, tăng trưởng cho vay âm 14%.

Năm 2017 vừa qua là 1 năm thành công đối với Vietbank. Theo đó, tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng đạt 1.012 tỷ đồng, tăng trưởng 40,9%. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 263 tỷ đồng và 262 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2016. Tính đến ngày 31/12/2017, Vietbank có tổng tài sản đạt 41.533 tỷ đồng, tăng 13,7% so với đầu năm, trong đó, cho vay khách hàng đạt mức 28.713 tỷ đồng, tăng trưởng 9,1%.

Tuy nhiên, nợ phải trả của Ngân hàng này cũng tăng mạnh hơn 4.500 tỷ đồng, tương đương 13,6% lên mức 38.204 tỷ đồng, gấp 11,5 lần số vốn chủ sở hữu của Vietbank. Đặc biệt, khoản chi tiêu ngoài bảng của Ngân hàng đã tăng đột biến hơn 9 lần trong năm vừa qua từ mức 4.053 tỷ đồng lên 37.590 tỷ đồng. Trong đó, riêng khoản cam kết giao dịch hối đoái đã tăng thêm gần 34.000 tỷ đồng lên 26.493 tỷ đồng, gấp hơn 15 lần so với con số 2.456 tỷ đồng cuối năm 2016.

Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ nợ xấu ở VietBank khá đẹp so với quy yêu cầu dưới 3% của NHNN. Tuy nhiên, theo một số nhà đầu tư nhận định, tỷ lệ nợ xấu này đã loại trừ việc cho vay cầm cố bằng cổ phiếu STB (Sacombank). Nói về vấn đề này, lãnh đạo VietBank chỉ trả lời khá chung chung: “Việc loại trừ cho vay cầm cố bằng cổ phiếu STB ra khỏi tỷ lệ nợ xấu là theo quy định của NHNN. Hiện nay, NHNN cho phép giữ nguyên nợ nhóm 1”.

Vậy khoản cho vay cầm cố bằng cổ phiếu STB ở VietBank là những khoản cho vay nào, đâu là bên vay, mục đích vay là gì và quy mô ra sao (?).

Được biết, cuối năm 2012, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Chợ Đũi và Ngân hàng TMCP Phương Nam (hiện đã sáp nhập vào Sacombank) từng ký một thỏa thuận mua bán. Khoản phải thu phát sinh từ thỏa thuận này từng được cầm cố tại VietBank.

Một chi tiết đáng lưu ý khác trong cơ cấu tài sản của VietBank, đó là hàng nghìn tỷ đồng đang được hạch toán vào Tài sản Có khác – một nơi, mà theo nhiều nhà phân tích, tiềm ẩn không ít rủi ro liên quan tới nợ xấu.


Theo Hoàng Dung/An Ninh Tiền Tệ

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục