Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, đến tháng 10/2016, tổng số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là 718 doanh nghiệp.
So với năm 2001, doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh về cả số lượng và lĩnh vực hoạt động. Năm 2001 có 6.000 doanh nghiệp nhà nước, hoạt động trong 60 ngành, lĩnh vực.
Cả nước còn 718 doanh nghiệp Nhà nước. Ảnh minh họa
Việc sắp xếp lại giúp các DNNN tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh. Nếu thời điểm năm 2001, DNNN dàn trải trên 60 ngành, lĩnh vực thì đến nay chỉ còn 19 ngành, lĩnh vực; đại đa số có quy mô vừa và lớn.
Mặc dù có số lượng chiếm tỷ trong nhỏ (0,67% tổng số DN) nhưng DNNN vẫn nộp ngân sách đáng kể, đóng góp lớn nhất vào GDP (DNNN: 28,8%, ngoài Nhà nước: 11,8%, FDI: 17,9%).
Báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN cũng cho thấy, giai đoạn 2011-2015, cả nước đã sắp xếp được 591 DNNN (đạt 96% kế hoạch), trong đó, cổ phần hóa được 499 DN và bộ phận DN (đạt 96,3% kế hoạch), sáp nhập hợp nhất 48 DN, giải thể 17 DN, phá sản 8 DN; bán, giao 10 DN, chuyển thanh công ty TNHH nhiều thành viên 8 DN.
Như vậy, tổng số DNNN được sắp xếp từ trước đến nay là 5.950 DN, cổ phần hóa 4.460 DN và bộ phận DN. Tính đến hết tháng 10-2016, cả nước còn 718 DNNN (10 tháng đầu năm sắp xếp được 60 DNNN).
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, quá trính sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm. Tỷ lệ vốn nhà nước được bán ra khi cổ phần hóa và sau khi thóa vốn còn thấp, làm hạn chế đáng kể đến kết quả thực hiện các mục tiêu sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN đã đề ra.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính về kết quả IPO của 426 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, thì có 254 doanh nghiệp bán hết cổ phần và 172 doanh nghiệp không bán được hết cổ phần theo phương án phê duyệt.
Sau IPO, tính bình quân, Nhà nước vẫn nắm giữ 81% vốn điều lệ tại doanh nghiệp, Nhà đầu tư bên ngoài nắm giữ 9,5%, nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 7,3%, người lao động và tổ chức công đoàn nắm giữ 2,2%.
Về mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, Chính phủ xác định, DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn và cổ phần chi phối chỉ duy trì trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu. Các DN này cần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh; kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và năng lực quản trị theo chuẩn mực quốc tế; được trao quyền chủ động hơn gắn với tăng cường trách nhiệm; được quản lý, giám sát chặt chẽ; công khai, minh bạch về hoạt động sản xuất, kinh doanh; bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác.
DN mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước theo cơ chế thị trường; bảo đảm công khai, minh bạch, có hiệu quả, tránh thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.
Thu Hà (TH theo Báo đầu tư, Báo Hải quan)