Vì sao Bầu Đức bất ngờ ra tay mua cổ phiếu HAG?

(Kinhdoanhnet) - Dù lý do không được nói rõ nhưng theo nhiều chuyên gia nhận định động thái này của Hoàng Anh Gia Lai là nhằm giúp cổ phiếu HAG không còn sụt giảm nữa.

Vào giữa tháng 05/2015, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) - ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đã gây xôn xao dư luận khi bất ngờ đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu HAG. Nếu như giao dịch thành công, Bầu Đức sẽ nắm giữ 44,03% vốn điều lệ của HAG. Tính theo giá hiện hành, dự tính Bầu Đức phải bỏ ra khoảng 91 tỷ đồng để gom số lượng cổ phiếu nói trên.

Không chỉ có Bầu Đức trong cùng ngày Hội đồng quản trị của HAG đã thông qua phương án mua lại 10 triệu cổ phiếu quỹ từ nguồn vốn thặng dư theo phương án thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Giá mua sẽ theo giá thị trường tại ngày thực hiện giao dịch và quy chế giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM. Dự tính số tiền mà HAG phải bỏ ra để mua số lượng cổ phiếu quỹ này lên tới 180 tỷ đồng.

Dù lý do không được nói rõ nhưng theo nhiều chuyên gia nhận định động thái này của Hoàng Anh Gia Lai là nhằm giúp cổ phiếu HAG không còn sụt giảm nữa.

Vì sao Bầu Đức bất ngờ ra tay mua cổ phiếu HAG?
Vì sao Bầu Đức bất ngờ ra tay mua cổ phiếu HAG?

Không khó để có thể nhận ra trong thời gian vừa qua, cổ phiếu HAG của Tập đoàn này đã bất ngờ “tụt dốc không phanh”. Chỉ trong hơn 1 tháng, giá cổ phiếu HAG đã suy giảm khá mạnh, từ mức 20.700 đồng (ngày 16/4) xuống 17.500 đồng (ngày 19/5). Với việc giảm tới gần 20% chỉ trong một thời gian ngắn của một “ông lớn” như HAG là một cú sốc không hề nhỏ. Theo các nhà đầu tư, đây là lần đầu tiên giá cổ phiếu của HAG rớt xuống mức kỷ lục dưới mức 20.000 đồng/cổ phiếu.

Trong các phiên gần đây, áp lực bán ra của các nhà đầu tư nước ngoài lại càng khiến cho cổ phiếu HAG lao dốc thảm hại. Theo thống kê đã có tới 4 triệu cổ phiếu HAG, trị giá hơn 70 tỷ đồng đã được bán ròng kể từ sau kỳ nghỉ lễ 1/5.

Theo giới phân tích nhận định việc giá cổ phiếu HAG giảm xuống thấp nhất trong vòng hơn 3 năm qua có thể đang khiến cho các khoản vay của tập đoàn đối mặt với nguy cơ bị giải chấp tài sản cầm cố.

Theo báo cáo tài chính quý 1/2015, tổng số dư nợ vay của HAG là hơn 20.000 tỷ đồng, chiếm 80% tổng số nợ phải trả. Trong đó, các khoản vay ngắn hạn ngân hàng là 1.787 tỷ đồng, các khoản vay dài hạn ngân hàng đến hạn trả trong vòng 1 năm 1.329 tỷ đồng, con số này đã tăng gần gấp đôi so với năm 2011. Hiện tại, chỉ số nợ vay/tổng vốn chủ sở hữu đã lên đến 136%.

Nguyên nhân khiến cho các khoản vay của HAG tăng mạnh là do trong thời gian qua đơn vị này đã dấn thân vào các dự án mới với tỷ lệ dùng đòn bẩy khá cao. Cùng một lúc triển khai rất nhiều đại dự án với cách thức vận dụng đòn bẩy tài chính cao đang khiến HAG gặp khó. Theo đó, các dự án mới của HAG cũng đang ngốn những khối tiền khổng lồ, điều này đồng nghĩa với việc bầu Đức phải đẩy mạnh đi vay mượn để có tiền tham gia vào các dự án mới. Và đương nhiên trong thời gian tới sẽ không dễ dàng đối với HAG khi áp lực trả nợ ngày càng đè nặng.

Ngọc Anh (TH theo DDDN; NĐT; News.Zing)

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục