Vì dịch Covid-19: Eximbank hoãn đại hội cổ đông bất thường, Moody's cảnh báo chất lượng tài sản của ngân hàng Việt bị ảnh hưởng

Tuần qua, ngân hàng Eximbank lại bất ngờ thông báo hoãn họp đại hội cổ đông bất thường vô thời hạn. Đáng chú ý, Moody's cảnh báo Covid-19 tác động đến chất lượng tài sản của ngân hàng Việt.

Eximbank lại bất ngờ hoãn họp đại hội cổ đông

Hội đồng quản trị Eximbank (HoSE: EIB) vừa có nghị quyết chấp hành ý kiến chỉ đạo của UBND TP HCM, đề nghị Eximbank không tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường trong thời điểm hiện nay.

Do đó, việc tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường sẽ được dời sang thời điểm thích hợp.

Vì dịch Covid-19: Eximbank hoãn đại hội cổ đông bất thường, Moody's cảnh báo chất lượng tài sản của ngân hàng Việt bị ảnh hưởng - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Theo kế hoạch ban đầu, Eximbank dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 vào ngày 5/3/2020. Ngày chốt danh sách cổ đông là 12/12/2019.

Mục đích chính của ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 là bầu bổ sung một thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) vào nhiệm kì 2015 - 2020. Sau phiên họp bất thường, Eximbank cũng lên kế hoạch tổ chức Đại hội thường niên năm 2020 vào ngày 22/4/2020.

Trong năm 2019, ngân hàng đã 2 lần không tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên do không có sự đồng thuận giữa các nhóm cổ đông và mối bất hoà giữa nội bộ lãnh đạo cấp cao, trong bối cảnh vị trí Chủ tịch HĐQT liên tục thay đổi.

Cụ thể, trong lần đầu, đại hội không thể tiến hành vì không đủ số lượng cổ đông tham dự. Lần thứ hai không thành khi các nhóm cổ đông lớn bất đồng sâu sắc và không thể thông qua qui chế đại hội.

Mới đây nhất, Eximbank vừa quyết định bầu ông Nguyễn Quang Thông giữ chức danh Phó Chủ tịch HĐQT nhiệm kì 2015 - 2020 và bổ nhiệm ông Lã Quang Trung giữ vị trí Kế toán trưởng ngân hàng từ ngày 27/2.

Mặc dù biến động nhân sự cấp cao nhưng Eximbank vẫn báo lãi cả năm 2019 tăng hơn 30% dù quý 4 lỗ ròng.

Năm 2020, Eximbank đề ra kế hoạch tổng tài sản đạt 190,000 tỷ đồng. Huy động vốn đạt 161.000 tỷ đồng và dư nợ tín dụng là 127,345 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế và trước trích bổ sung dự phòng tất toán trái phiếu VAMC là 2,400 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,8%.

Nghi vấn lộ thông tin thẻ tín dụng ở Việt Nam lên mạng xã hội

SCMP dẫn nguồn công ty an ninh mạng Technisanct có trụ sở ở Ấn Độ cho hay hàng trăm nghìn thẻ tín dụng của khách hàng tại 6 quốc gia Đông Nam Á gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan, Indonesia đã bị rò rỉ thông tin trên Internet.

Những vi phạm này đã được phát hiện trong một cuộc thử nghiệm nghiên cứu được thực hiện bởi Technisanct để phân tích các mối đe dọa đối với ngành tài chính ở các nước Đông Nam Á.

Cụ thể, Philippines là nước bị lộ thông tin nhiều nhất với số lượng gần 173.000 thẻ tín dụng. Kế tiếp là Malaysia với hơn 37.000 thẻ và Singapore với hơn 25.000 thẻ. Hiện chưa rõ số lượng thẻ tín dụng bị lộ thông tin của 3 nước còn lại gồm Việt Nam.

Thậm chí, Công ty an ninh mạng của Ấn Độ còn cho biết, trong những tuần qua đã phát hiện thêm nhiều thẻ tín dụng của 6 nước Đông Nam Á bị rao bán. Dù nhiều hệ thống yêu cầu mã giao dịch OTP, vẫn có những cổng thanh toán không cần đến việc xác thực giao dịch.

Thực tế, các nước Đông Nam Á đang bị tấn công ngày càng nhiều bởi tội phạm mạng, bao gồm cả các hành vi đánh cắp dữ liệu cao cấp.

Vì dịch Covid-19: Eximbank hoãn đại hội cổ đông bất thường, Moody's cảnh báo chất lượng tài sản của ngân hàng Việt bị ảnh hưởng - Ảnh 2
Ảnh minh họa

Trước đó, tại Việt Nam, có thông tin lộ dữ liệu cá nhân của 2 triệu khách hàng được cho là của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB).

Các thông tin bị lộ bao gồm họ tên, số chứng minh nhân dân, số điện thoại, địa chỉ nhà, ngày tháng năm sinh, giới tính, email và nghề nghiệp.

Theo dữ liệu được hacker tung ra cho thấy, đây là những thông tin mới trong năm 2019, không phải dữ liệu cũ. Nếu muốn có dữ liệu này thì cần bỏ ra một khoản tiền cho hacker.

Sau khi những thông tin này được một số báo đăng tải và xác nhận có thông tin chính xác của một số khách hàng MSB, ngân hàng này đã lập tức đưa ra phản hồi.

"Về việc đăng tải thông tin khách hàng được cho là của MSB tại một diễn đàn trên internet, hiện chưa xác thực được đây có thực sự là thông tin từ MSB hay không bởi những thông tin trên hoàn toàn chỉ là thông tin cá nhân như tên, địa chỉ, điện thoại ... không có các thông tin liên quan đến giao dịch ngân hàng" – MSB cho biết.

Moody's cảnh báo Covid-19 tác động đến chất lượng tài sản của ngân hàng Việt

Phân tích của Moody Investors Service dựa trên báo cáo mới nhất của 16 ngân hàng Việt Nam, chiếm 61% tổng tài sản toàn hệ thống ngân hàng (tính tới thời điểm ngày 30/6/2019).

Moody's cho biết, các ngân hàng Việt Nam đã công bố mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan và chất lượng tài sản được cải thiện trong năm 2019. Điều này được hỗ trợ bởi nền kinh tế vĩ mô phát triển mạnh mẽ. Nhưng chính sự cải thiện về khả năng thanh toán đã đạt đến đỉnh điểm sẽ là rủi ro cho năm 2020.

Vì dịch Covid-19: Eximbank hoãn đại hội cổ đông bất thường, Moody's cảnh báo chất lượng tài sản của ngân hàng Việt bị ảnh hưởng - Ảnh 3
Ảnh minh họa

Cơ quan này bày tỏ kỳ vọng trong năm 2020 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ cho phép các ngân hàng đạt chuẩn Basel II có khả năng tài chính tốt được tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng so với các ngân hàng chưa đạt. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sẽ chậm chạp hơn khi áp lực cạnh tranh gia tăng làm tăng chi phí huy động vốn.

Tỷ lệ vốn lõi (TCE) trên tổng tài sản của các ngân hàng được xếp hạng tăng lên 6,9% vào cuối năm 2020 từ mức 6,2% trong năm 2018.

Phân tích của Moody's cũng đồng thời chỉ ra các rủi ro bất lợi đối với chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam có thể phát sinh từ sự lây lan khó lường của virus Covid-19.

Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài sẽ làm gián đoạn hoạt động thương mại trao đổi hàng hóa, dẫn đến gia tăng các khoản nợ xấu từ các doanh nghiệp sản xuất, thương mại và doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực khác có mối quan hệ chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trước đó, Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm 18 ngân hàng Việt.

Theo Hà Phương (t/h)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục