Vì đâu doanh nghiệp vẫn “than” khó tiếp cận vốn ngân hàng?

Theo khảo sát chỉ có khoảng 32,38% số DN cho biết có khả năng tiếp cận và được vay vốn thường xuyên; 35,24% phản ánh là khó tiếp cận; số còn lại cho biết không thể tiếp cận được vốn vay.

Theo công bố của các ngân hàng, hiện cho vay ngắn hạn của DNNVV nằm trong khoảng 5 - 8%. Để tiếp cận mức lãi suất 5 - 6% cần phải thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và là những khách hàng tốt. Còn thường vay ngắn hạn đối với các DNNVV, mức lãi suất là 7 - 8%; lãi suất cho vay trung và dài hạn thường 9 - 10%.

Vì sao khó tiếp cận vốn?

Ông Long cho biết hiện chỉ khoảng 15% DNNVV tiếp cận được máy móc thiết bị hiện đại. “Chúng tôi đang khuyến khích cho DNNVV đổi mới về công nghệ, bởi máy móc thiết bị hiện nay lạc hậu (lạc hậu đến 2 - 3 thế hệ so với mặt bằng chung thế giới). 88% máy móc hiện lạc hậu hoặc ở mức trung bình, trung bình khá”, ông Long nói.

Tuy vậy, vấn đề vốn luôn là bài toán khó giải quyết, đặc biệt là việc tiếp cận vốn vay ngân hàng của khối DNNVV. Theo khảo sát gần đây của SISME, chỉ có khoảng 32,38% số DN cho biết có khả năng tiếp cận và được vay vốn thường xuyên; 35,24% phản ánh là khó tiếp cận; số còn lại cho biết không thể tiếp cận được vốn vay.

Tính đến hết tháng 6/2014, tỷ trọng dư nợ khu vực DNNVV chiếm 25% (896,808 nghìn tỷ so với 3,6 triệu tỷ), tốc độ tăng trưởng tín dụng là 2% so với đầu năm; gần 90% vay bằng nội tệ; tỷ lệ nợ xấu luôn xu hướng tăng lên (trên 5%). Trong khi đó, tổng giá trị tài sản bảo đảm lại tăng bình quân 7% suốt 3 năm gần đây và tỷ trọng tài sản bảo đảm so với tổng dư nợ tăng đáng kể.

Vì đâu doanh nghiệp vẫn “than” khó tiếp cận vốn ngân hàng? - Ảnh 1
Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng.

Nguyên nhân khó tiếp cận vốn là vì tỷ lệ tiếp cận và được bảo lãnh rất thấp, tỷ lệ rủi ro về bảo lãnh cao. Cụ thể, tỷ lệ DNNVV được bảo lãnh vay vốn từ VDB vẫn thấp cả về số lượng cũng như giá trị bảo lãnh.

Doanh nghiệp muốn làm ăn phải có vốn

“Tỷ lệ rủi ro bảo lãnh cao 26,96%. Tỷ lệ từ chối trả thay của VDB cũng khá cao 18,63%. Đây là nguyên nhân chính khiến các DN này tiếp cận tín dụng của các NHTM thông qua bảo lãnh của VDB ngày càng hạn chế”, ông Long cho biết.

Một nguyên nhân nữa, là tái cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm lãi vay còn chậm. Báo cáo của Thống đốc NHNN tại cuộc gặp Thủ tướng với DN, ngày 28/4/2014, cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm tới 70% so với tháng 11/2012, trong khi đó mức lãi suất cho vay từ 13% trở lên chỉ chiếm khoảng 16,5%, tương ứng trên 15% chiếm khoảng 5%.

Ông Long cho rằng việc tiếp cận vay vốn đối với số DN chưa được tái cơ cấu hoặc tái cơ cấu theo Thông tư 09 là rất khó khăn, càng khó tiếp cận vay với mức lãi suất ưu đãi như kỳ vọng.

“Hơn nữa, phần lớn các DNNVV khó có tỷ suất lợi nhuận cao trên 10% để chịu nổi mặt bằng lãi suất hiện nay trong khi tồn kho có giảm nhưng vẫn còn cao, tiêu thụ khó khăn, nhiều lĩnh vực, ngành hàng vẫn lỗ nặng nếu cứ tiếp tục kinh doanh. Đặc biệt, DN vẫn rất khó khăn khi tiếp cận vốn vay mới vì phần lớn tài sản đảm bảo đã cạn kiệt, tổng tài sản có sinh lời và doanh thu sụt giảm, quy mô thu hẹp…”, ông Long bình luận.

Ngoài ra, một số nguyên nhân trực tiếp như các NHTM quá thận trọng, co cụm, có phần bảo thủ và e ngại “hình sự hóa” trong hoạt động tín dụng; thủ tục, điều kiện tín dụng mới “siết chặt”… gây nên phức tạp và quá sức đối với DN; chính sách tín dụng của hầu hết các NHTM hiện nay quá bó hẹp với số khách hàng “truyền thống”, khách hàng VIP, nên thường xem nhẹ và “làm ngơ” DN mới khởi nghiệp…

Doanh nghiệp nên chủ động

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Long, trước hết, cần hỗ trợ DNNVV các vấn đề liên quan thị trường, đất đai, vốn ưu đãi, công nghệ, đào tạo và quản lý trên nền tảng đẩy nhanh tiến trình cải cách thể chế, minh bạch hóa thông tin, tháo gỡ các rào cản về thủ tục hành chính và sự “sàng lọc” mạnh DN. Thứ hai, cần đổi mới cách thức tiếp cận phù hợp hơn trong hoạt động tín dụng và bảo lãnh tín dụng ngân hàng theo hướng tập trung trọng tâm, trọng điểm.

Về vấn đề này, theo luật sư, trọng tài viên Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, việc DN bị tác động nhiều bởi lãi suất là do DN phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay ngân hàng. “Muốn làm ăn phải có vốn, hoặc nếu không phải huy động từ các kênh cùng chấp nhận rủi ro, cùng đầu tư, cùng góp vốn. Còn nếu cứ phụ thuộc lãi suất ngân hàng đến 80 - 90% trong điều kiện mặt bằng giá cả không ổn định thì đương nhiên phải chấp nhận mức rủi ro lớn”, ông Đức phân tích.

“Để giảm thiểu rủi ro tác động từ lãi suất, DN đầu tư phải tính toán thế nào cho chắc chắn, dự phòng tình huống lãi suất có thể cao nhất mà mình vẫn chủ động được. Phải giảm tối đa nguồn vốn vay dài hạn từ ngân hàng. Nếu vay ngắn hạn trong vòng một vài tháng thì không có vấn đề gì nhiều, khó bị lỗ. Nhưng nếu vay 3 - 5 năm thì không có cách nào mà cứu được”, ông Đức khuyến nghị.

Theo Thời báo Kinh doanh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục