Bloomberg cho biết, người dân Venezuela hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu kinh niên lương thực-thực phẩm, thuốc men, và các hàng hóa thiết yếu khác cho cuộc sống hàng ngày. Tỷ lệ lạm phát ở nước này là 181%, khiến chỉ số khốn khổ lên tới 188,2%. Điều này đồng nghĩa với việc Venezuela là quốc gia “khốn khổ nhất thế giới”.
Venezuela đứng đầu bảng xếp hạng quốc gia "khốn khổ nhất thế giới”. Ảnh: Business Insider
Quốc gia khốn khổ thứ nhì là Bosnia, với chỉ số khốn khổ 48,97%.
Nam Phi hiện xếp thứ ba trong danh sách 74 nền kinh tế khốn khó nhất thế giới. Tỷ lệ thất nghiệp của Nam Phi hiện là 26,6% trong bối cảnh nhu cầu nguyên liệu thô sụt giảm đã làm hàng nghìn công nhân ngành khai thác khoáng sản mất việc làm, cùng với các tác nhân ảnh hưởng đến kinh tế như hạn hán và thiếu hụt điện đã tác động đến các kế hoạch phát triển của nước này.
Chính phủ Nam Phi năm 2014 đã thông qua “Kế hoạch phát triển quốc gia” nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống 14% vào năm 2020 và 6% vào năm 2030.
Ở phía bên kia của bảng xếp hạng, Thái Lan vừa được xem là quốc gia dễ sống nhất trên thế giới, ít nhất trên phương diện công ăn việc làm và tình trạng tăng giá cả hàng hóa. Chỉ số khốn khổ của Thái Lan chỉ ở mức 1,11%, thấp nhất trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ được Bloomberg khảo sát.
Tiếp đó là hai quốc gia châu Á khác, Singapore và Nhật Bản, với chỉ số khốn khổ tương ứng lần lượt là 1,4% và 2,7%.
Nước Anh đứng thứ 17 trong xếp hạng này, trong khi Mỹ đứng ở vị trí 21. Trung Quốc theo khá sát Mỹ, xếp số 23.
Bảng xếp hạng Misery Index (“chỉ số khốn khổ”) trên là kết quả sau khi Bloomberg thực hiện một cuộc khảo sát đối với 74 nền kinh tế trên thế giới. Chỉ số này là được thực hiện bằng cách cộng tỷ lệ lạm phát với tỷ lệ thất nghiệp ở mỗi nền kinh tế, từ đó xếp hạng mức độ “khốn khổ” của quốc gia đó.
Trâm Anh