Trạm thu phí Long Phước trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN
Trước thông tin đặt vấn đề về doanh thu thu phí và tính minh bạch trong công tác thu phí của các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, vận hành khai thác, chiều 11/2, VEC đã chính thức có thông tin về công tác tổ chức thu phí và giám sát thu phí trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý.
Theo đại diện VEC, công tác tổ chức thu phí tại 4 dự án đường cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây được VEC giao các đơn vị thành viên, gồm: Công ty cổ phần Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M), Công ty cổ phần Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VEC S) và Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E).
Do công tác thu phí là một trong những nhiệm vụ quan trọng của VEC nhằm trả nợ vốn vay và hoàn vốn đầu tư dự án nên được lãnh đạo VEC đặc biệt quan tâm và thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tuân thủ các quy định hiện hành về tổ chức thu phí, giám sát, hậu kiểm quá trình tổ chức thu phí.
Cụ thể, VEC đã xây dựng các quy trình tổ chức thu phí, giám sát thu phí, hậu kiểm và đảm bảo minh bạch, công khai, quản lý chặt chẽ chống thất thoát tiền thu phí. Đồng thời, giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức thu phí trên đường cao tốc cho từng tuyến cao tốc; thành lập bộ phận giám sát nội bộ, hậu kiểm công tác thu phí của đơn vị.
“Để tăng cường việc quản lý, giám sát, năm 2015, VEC đã thành lập Trung tâm Giám sát khai thác vận hành đường cao tốc Việt Nam. Một trong những chức năng, nhiệm vụ chính của trung tâm này là giám sát công tác thu phí, bảo trì, vận hành khai thác và tài sản trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý”, đại diện VEC cho biết.
Về phương thức thu phí, các tuyến đường cao tốc do VEC đầu tư đều là các tuyến được xây dựng mới và tổ chức thu phí kín (phương thức thu phí có kiểm soát đầu vào và đầu ra đường cao tốc thông qua hệ thống thẻ điện tử).
Các phương tiện phải trả một mức phí tùy thuộc vào loại phương tiện, chiều dài quãng đường thực tế phương tiện tham gia giao thông (km) và đơn giá tương ứng với từng loại phương tiện (đồng/km) được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các trạm thu phí trên tuyến.
Liên quan đến quy trình thu phí, đại diện VEC cho biết, thời gian làm việc của các nhân viên thu phí chia làm 3 ca/ngày đêm (ca 1 từ 6h30 đến 11h30; ca 2 từ 11h30 đến 18h30; ca 3 từ 18h30 đến 6h30 sáng ngày hôm sau). Đầu ca làm việc, nhân viên thu phí tiếp nhận vé, thẻ điện tử từ bộ phận kế toán vé thẻ và thực hiện thu phí tại trạm theo quy định.
Cuối ca, nhân viên thu phí đối chiếu số liệu với nhân viên giám sát, hậu kiểm, thực hiện giao nộp số vé, thẻ còn thừa cho kế toán vé thẻ và thanh toán số tiền thu được trong ca làm việc cho thủ quỹ trạm. Nhân viên thu phí có trách nhiệm bảo quản tiền thu phí trong suốt ca làm việc, thanh toán và bàn giao cho thủ quỹ trạm theo đúng quy định. Thủ quỹ có trách nhiệm quản lý tiền thu phí trước khi bàn giao cho ngân hàng.
“VEC ký hợp đồng hợp tác với các ngân hàng để tổ chức thu tiền thu phí. Những ngày bình thường, ngân hàng trực tiếp đến thu tiền tại các trạm thu phí định kỳ 1 ngày/lần; đối với các ngày lễ, Tết là 2 ngày/lần hoặc theo yêu cầu của VEC”, đại diện VEC thông tin.
Việc quản lý, sử dụng tiền thu phí các dự án đường cao tốc do VEC đầu tư, quản lý được thực hiện theo phương án tài chính các các dự án được phê duyệt; quy chế quản lý, sử dụng tiền thu phí; quy chế quản lý nợ và các quy định, hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền; trong đó tiền thu phí đường cao tốc được ưu tiên dành để trả nợ các khoản vay, chi phí cho công tác quản lý, bảo trì, thu phí đường cao tốc.
Để bảo đảm công tác thu phí chính xác, công khai và minh bạch, ngoài bộ phận hậu kiểm, giám sát nội bộ thu phí của các đơn vị vận hành khai thác các tuyến cao tốc do VEC quản lý (VEC O&M, VEC S, VEC E), Trung tâm Giám sát khai thác vận hành đường cao tốc Việt Nam (VEC M) tổ chức giám sát công tác thu phí.
Việc giám sát, hậu kiểm quá trình tổ chức thu phí được VEC thực hiện 24/24h, qua nhiều khâu, nhiều bộ phận tham gia, từ giám sát trực tiếp tại hiện trường, giám sát qua màn hình khổ lớn, đến giám sát qua hệ thống camera và phần mềm giám sát và bố trí bộ phận hậu kiểm rà soát, kiểm tra lại. Hình ảnh các thông tin của máy tính tại cabin thu phí cũng như hình ảnh tại các cabin thu phí đều được truyền trực tiếp về văn phòng giám sát hiện trường của Trung tâm VEC M.
Ngoài ra, dữ liệu thu phí định kỳ được sao lưu để phục vụ công tác giám sát, hậu kiểm. Trong đó bao gồm: các tập tin cơ sở dữ liệu, các tập tin hình ảnh chụp phương tiện lưu thông qua trạm, các tập tin video liên tục giám sát làn được sao lưu dưới dạng tập dữ liệu và lưu giữ tối thiểu 5 năm. Các tập tin video giám sát cabin và giám sát toàn cảnh được sao lưu dưới dạng tệp dữ liệu và lưu giữ tối thiểu 1 năm theo đúng quy định hiện hành.
“Công tác tổ chức thu phí, giám sát, hậu kiểm và giám sát hậu kiểm của VEC tuân thủ các quy định hiện hành, phù hợp với từng điều kiện hiện trường tại mỗi dự án đường cao tốc, bảo đảm công khai và minh bạch”, đại diện VEC thông tin và cho biết thêm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan bảo vệ pháp luật thường xuyên có các đợt kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác vận hành khai thác, thu phí trên các tuyến đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư.
Trước đó, ngay sau khi xảy ra vụ cướp tiền vào sáng ngày 7/2/2019 (mùng 3 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi) tại trạm thu phí Dầu Giây thuộc tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đã xuất hiện một số luồng thông tin về vấn đề về doanh thu thu phí của tuyến cao tốc này nói riêng và tính minh bạch trong công tác thu phí của các tuyến cao tốc do VEC quản lý, vận hành khai thác nói chung./.
Nguồn: Bnews