Nếu như tại Mỹ tỷ trọng tín dụng cho vay tiêu dùng cá nhân lên tới 35% - 40% hay như tại Trung Quốc cũng vào khoảng 20% thì tại Việt Nam này tỷ trọng này chỉ chiếm 6%. Rõ ràng đây là một tỷ lệ quá thấp trong khi phân khúc này lại được giới chuyên gia cho rằng sẽ là cứu cánh cho tín dụng ngân hàng.
Chính vì thế Ngân hàng Nhà nước cần phải tạo mọi điều kiện để cho lĩnh vực này có thể phát triển một cách tốt nhất, thay vì quy định ngặt nghèo và lãi suất cho vay cao chót vót như hiện nay.
Mới đây ngày 17/09, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra dự thảo Thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC) đối với khách hàng cá nhân dưới các hình thức như cho vay trả góp; cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng; phát hành thẻ mua hàng.
Vay tiêu dùng: Không nên ép ngân hàng phải thành lập công ty tài chính.
Theo đó các ngân hàng thương mại nếu muốn thực hiện cho vay tiêu dùng thì trước hết phải thành lập Công ty tài chính. Công ty này có trách nhiệm phải cung cấp và giải thích đầy đủ các thông tin để đảm bảo khách hàng có thể so sánh và đánh giá tín dụng tiêu dùng phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mình trước khi ký kết hợp đồng tín dụng tiêu dùng.
Mục đích của NHNN khi đưa ra quy định này là muốn đảm bảo cho hệ thống ngân hàng. Vay tiêu dùng cá nhân là một phân khúc có độ rủi ro cao, dễ phát sinh nợ xấu. Vì thế tách phân khúc này ra khỏi hoạt động của ngân hàng, nếu có rủi ro thì cũng chỉ khoanh vùng trong công ty tài chính, không ảnh hưởng tới ngân hàng.
Tuy nhiên quy định này lại chịu sự phản ứng gay gắt từ phía các ông chủ nhà băng. Bởi nền kinh tế còn đang gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp đứng bấp bênh bên “cửa tử”, ngân hàng nhiều tiền nhưng sợ không dám cho vay. Hầu hết các nhà băng này đã chuyển hướng sang phân khúc cho vay tiêu dùng cá nhân nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Nhiều ngân hàng, cho vay tiêu dùng chiếm tỷ lệ khá lớn trong hoạt động tín dụng như VIB khoảng 46%, Sacombank với khoảng 30%....
Vậy nên nếu tách nghiệp vụ này ra khỏi hoạt động ngân hàng sẽ khiến cho các ngân hàng chao đảo bởi mất một khoản lợi nhuận lớn từ mảng kinh doanh này. Vì thế nên để các ngân hàng tự đánh giá năng lực của mình và quyết định có cho vay tiêu dùng cá nhân hay không. Nếu ngân hàng nào có bộ phận cho vay và xử lý nợ tốt thì có thể triển khai cho vay tiêu dùng cá nhân.
Thêm nữa hiện tại các công ty tài chính đang cho vay với một mức lãi suất giống như cắt cổ khách hàng. Ví dụ như Anh Đinh Ngọc Đăng, nhà ở tổ 18, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ cách đây 2 năm, anh có vay tín chấp của Công ty Tài chính Prudential 22 triệu đồng sau khi được nhân viên công ty gọi điện mời vay với lãi suất chỉ 18%/năm.
Tuy nhiên do anh vội vàng nên không đọc kỹ hợp đồng và đồng ý vay trong vòng 3 năm. Thế nhưng, sau khi vay anh mới ngã ngửa ra lãi suất mà nhân viên tư vấn nói là theo năm, còn trong vòng 3 năm, anh Đăng phải trả 860.000 đồng nhân với 36 tháng, số tiền lên tới hơn 30 triệu.
Khi biết lãi suất “cắt cổ” như vậy anh đã cố gắng vay bạn bè để trả dần tuy nhiên, sau 4 tháng trả tiền hàng tháng, không hiểu công ty tính kiểu gì mà hầu như anh phải trả nguyên số tiền anh đã vay trước đó 6 tháng.
Còn với lãi suất trả thẻ tín dụng của các ngân hàng, tuy có thấp hơn nhưng cũng ở mức khá cao, khoảng 25 - 30%/năm. Nếu bây giờ chuyển hoàn toàn sang cho công ty tài chính, thì lãi suất cho vay có thể còn cao hơn.
Bên cạnh đó hiện nay NHNN lại đang muốn cơ cấu lại công ty tài chính thông qua việc mua bán sáp nhập với các ngân hàng. Nếu quy định này được ban hành thì mục tiêu này có thể sẽ thất bại. Bởi hiện nay nhiều ngân hàng đã có nhân sự làm rất tốt việc này nên họ sẵn sàng thành lập công ty tài chính mới thay vì mua lại một công ty đang có sẵn.
T.T (TH)