Ồ ạt tăng lãi suất
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, các ngân hàng đang vay mượn nhau với lãi suất rất cao, có nhiều thời điểm đắt hơn cả huy động từ dân cư. Lãi suất qua đêm liên ngân hàng hôm 27/8 lên tới 4,6%/năm, kỳ hạn 1 tuần cho tới 3 tháng đều ở mức khoảng 4,7%-4,9%/năm.
Trong phiên 28/8, lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt đôi chút nhưng vẫn ở quanh mức 4,6% qua đêm và 4,7%-5,1% từ 1 tuần cho tới 6 tháng.
Với mức lãi suất như vậy, các ngân hàng thiếu vốn đang phải vay trên thị trường liên ngân hàng với mức cao hơn cả lãi suất huy động từ dân cư một tháng. Hiện tại, trên thị trường 1, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng của một số ngân hàng lớn chỉ dao động từ 4,1-4,3%/năm. Trước đó một tuần, các ngân hàng thậm chí còn phải vay nhau trên thị trường liên ngân hàng ở mức lãi suất cao hơn.
Doanh số giao dịch ở các kỳ hạn khoảng một vài ngàn tỷ đồng, riêng vay qua đêm mỗi phiên đạt khoảng 20 ngàn tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD, và chiếm khoảng 90% tổng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng.
Lý do lãi suất liên ngân hàng tăng vọt được các chuyên gia trong ngành giải thích do căng thẳng thanh khoản tạm thời ở một số ngân hàng do không huy động được đủ vốn cần thiết từ dân cư nên phải vay lại từ các tổ chức tín dụng (TCTD) lớn, vốn vay vốn dễ dàng từ các thành phần kinh tế trong nước.
Không chỉ trên thị trường liên ngân hàng, gần đây một số ngân hàng cũng rục rịch tăng lãi suất huy động tiền gửi bằng tiền đồng, bất chấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có những động thái rõ ràng về thắt chặt room tín dụng.
Một số ngân hàng lớn như BIDV cũng đã tăng lãi suất. VietCapitalBank đang huy động lãi suất lên tới 8,6%/năm cho kỳ hạn 24 tháng trở lên. BIDV áp dụng lãi suất 6,9% cho khoản gửi từ 12 tháng trở lên. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm, từ mức 4,1% lên 4,3%/năm. Techcombank điều chỉnh thêm 0,1 điểm phần trăm từ mức 4,5% lên 4,6%/năm.
Lãi suất tại VietCapitalBank.
Một số ngân hàng khác không tăng lãi suất nhưng áp dụng mức cộng phần trăm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên và các hình thức phần thưởng, quà tặng khác.
Hiện tượng lãi suất huy động có tín hiệu tăng ở cả hai thị trường 1 và 2 được xem là một hiện tượng đáng chú ý ở vào thời điểm hiện tại, bởi trước đó, hệ thống ngân hàng được báo cáo ở trong tình trạng thanh khoản dồi dào. Hơn thế, hầu hết các ngân hàng đã sắp hết tín dụng tăng trưởng và NHNN có quan điểm khá rõ ràng về việc không rới room tín dụng, để cùng với Chính phủ đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bền vững, bảo đảm kinh tế vĩ mô, tránh lạm phát.
Kiểm soát tín dụng, cảnh giác với lạm phát
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng, việc tăng lãi suất huy động VND thời điểm này chưa diễn ra trên diện rộng, chỉ mang tính cục bộ ở một số ngân hàng và ở một số ký hạn, chủ yếu trung và dài hạn.
Lý do lãi suất ở kỳ các khoản huy động trung và dài hạn tăng, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, có thể là do quy định của NHNN yêu cầu tỷ lệ dùng vốn cho vay trung và dài hạn rút từ 45% xuống 40% (theo Thông tư 06, áp dụng từ 1/1/2019). Các ngân hàng phải tuân thủ quy định và do đó phải đẩy lãi suất ở kỳ hạn dài lên khá mạnh.
Trong khi đó, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn có tăng nhưng xảy ra đơn lẻ tại một số ngân hàng cần vốn. Room tín dụng tại một số ngân hàng đã hết và NHNN không chấp thuận nới room, do vậy, nhu cầu về vốn kỳ hạn ngắn không lớn, khả năng tăng lãi suất ngắn hạn thấp.
Trong 7 tháng qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng tăng mạnh, nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng huy động vốn. Do vậy, các ngân hàng cũng cần đẩy mạnh huy động vốn để đảm bảo sự cân bằng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng chuẩn bị nguồn vốn cho vay ngắn hạn cuối năm.
Chính vì diễn biến tăng lãi suất huy động ngắn hạn chưa diễn ra trên diện rộng cho nên, theo ông Hiếu, lãi suất cho vay ở thời điểm này vẫn đang được duy trì ổn định. Mặc dù vậy, trong thời gian tới, ông Hiếu không ngoại trừ khả năng lãi suất cho vay sẽ tăng.
Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lãi suất còn phụ thuộc vào vấn đề tỷ giá. Tỷ giá tăng như thời gian qua có thể gây áp lực lên mặt bằng lãi suất. Trong thời gian tới, nhiều khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất và chiến tranh thương mại Mỹ Trung vẫn căng thẳng có thể sẽ khiến các ngân hàng phải gia tăng lãi suất để đảm bảo chênh lệch lãi suất tiền gửi đồng USD và VND để đảm bảo không xảy ra tình trạng người dân rút tiền gửi VND chuyển sang USD.
Trong cuộc họp tổng kết 1 năm triển khai Nghị định 42 của Quốc hội về nợ xấu vừa diễn ra, Thống đốc Lê Minh Hưng tiếp tục bày tỏ quan điểm rõ ràng về kiểm soát tăng trưởng tín dụng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định việc NHNN không nới room tín dụng là do phải kiểm soát các mục tiêu vĩ mô khác như lạm phát và việc tăng tín dụng bao nhiêu là quan trọng nhưng quan trọng hơn là cơ cấu tín dụng thế nào và tăng tín dụng vào đâu.
Trong cuộc họp báo Chính phủ, đại diện NHNN cho biết chỉ số tín dụng là chỉ số điều hành vĩ mô để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ, vì vậy để có được chỉ số tín dụng hợp lý đối với nền kinh tế là yêu cầu rất cao. Tăng trưởng tín dụng phải tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho nền kinh tế và thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát (4%). Chỉ tiêu tăng tín dụng 2018 là 17%, đến cuối tháng 8 đạt 8,5% (khoảng 50%). Tốc độ tăng có thể thấp hơn hoặc cao hơn tùy theo nhu cầu thực tế của nền kinh tế nhưng NHNN cảnh giác cao độ việc kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm.
M. Hà/Vietnamnet