Theo đó công ty này cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam, Công an tỉnh Quảng Nam nhờ can thiệp. Tuy nhiên do sự việc này gây tranh cãi quá nhiều lên các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam buộc phải “cầu cứu” và chờ ý kiến chỉ đạo từ Bộ TN&MT.
Theo đó bắt đầu từ ngày 23/10/2014, Công ty vàng Phước Sơn đã bắt đầu vận chuyển carbon từ nhà máy vàng Bồng Miêu qua nhà máy vàng Phước Sơn.
Mỏ vàng Bồng Miêu.
Tuy nhiên theo UBND huyện Phước Sơn thời gian qua công ty này đã vi phạm các quy định luật khoáng sản năm 2010. Bên cạnh đó còn 2 lần xả thải chưa qua xử lý và bị UBND tỉnh Quảng Nam xử phạt vi phạm hành chính 150 triệu đồng. Từ năm 2014 đến nay, doanh nghiệp cũng không đóng BHXH, BHYT và không thanh toán chế độ cho người lao động nghỉ việc. Hiện nay, mặc dù đã ngừng hoạt động nhưng các bãi thải quặng của Công ty chưa xử lý đúng như báo cáo tác động môi trường và có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào trong mùa mưa bão. Nếu như công ty vàng Phước Sơn tiếp nhận vàng từ Bồng Miêu qua để chế biến thì sự cố ô nhiễm liên quan đến chất độc hại Cyanua trên địa bàn Phước Sơn không thể lường trước. Vì thế ngày 29/11, UBND huyện Phước Sơn chỉ đạo lập chốt kiểm soát liên ngành tại thôn 4 Phước Đức (Phước Sơn) chặn xe chở carbon ngậm vàng.
Thêm vào đó, việc vận chuyển carbon ngậm vàng từ Công ty vàng Bồng Miêu về Phước Sơn để chế biến thì trong quặng vận chuyển này có lượng hóa chất độc hại lớn không xác định được, phương pháp xử lý môi trường như thế nào đối với lượng quặng này tại nhà máy vàng Phước Sơn trong đề án đánh giá tác động môi trường không nêu.
Tuy nhiên về phía công ty vàng Phước Sơn lại lên tiếng khẳng định việc vận chuyển carbon ngậm vàng là hoàn toàn hợp pháp và đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam can thiệp.
Ông Paul Seton - Tổng Giám đốc Besra Việt Nam khẳng định: “Chúng tôi xin nhấn mạnh lại là việc tách vàng từ carbon ngậm vàng của Bồng Miêu tại nhà máy vàng Phước Sơn là một hoạt động kinh doanh sản xuất bình thường, đúng pháp luật, không chỉ đảm bảo vấn đề tiết kiệm chi phí và tránh thất thoát tài nguyên, thân thiện môi trường hơn mà còn là hỗ trợ Bồng Miêu hoạt động nhằm có thể thanh toán các khoản nợ thuế của Bồng Miêu, cũng như góp phần đảm bảo quyền lợi của các nhà thầu và người lao động”.
Cũng theo ông Paul Seton mặc dù mỏ vàng Bồng Miêu đã quay trở lại hoạt động, tuy nhiên do ngừng họat động quá lâu, cộng với ảnh hưởng của bão lũ khiến nhiều thiết bị bị ngập nước dẫn đến hư hỏng. Ngoài ra công nghệ chế biến xử lý carbon ngậm vàng của Phước Sơn hiện đại hơn, vì thế Bồng Miêu tiến hành vận chuyển carbon ngậm vàng qua Phước Sơn để chế biến thành vàng thỏi nhằm tiết kiệm chi phí. Công nghệ tách vàng ở Phước Sơn đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường tốt nhất trong quá trình xử lý carbon không bị đốt đi mà chỉ chiết xuất vàng từ carbon trên công nghệ hiện đại của nhà máy chế biến và tuyển luyện vàng Phước Sơn.
Trao đổi về vấn đề trên ông Nguyễn Viễn, Giám đốc Sở TN&MT Quảng Nam cho biết việc vận chuyển carbon ngậm vàng từ Bồng Miêu về Phước Sơn trong dự án đầu tư và đánh giá tác động môi trường chưa thể hiện nội dung này. Sở đã có báo cáo gửi UBND tỉnh, đề nghị tỉnh có ý kiến với Bộ để xem xét giải quyết.
Hoàng Anh (TH)