Các tài xế cho biết, chính sách FastGo đưa ra ban đầu hấp dẫn không thu % hoa hồng, cam kết doanh thu 25 triệu đồng/tháng nên rất nhiều tài xế đã bán xe để mua xe Fadil chạy FastGo.
Tuy nhiên, sau gần 2 tháng chạy xe, doanh thu của các tài xế này không đủ dù online 12 tiếng mỗi ngày. Nguyên nhân tài xế này cho hay là do "FastGo không có khách". Mua xe trả góp nhưng doanh thu không đủ khiến các tài xế bị áp lực trong việc trả lãi ngân hàng và dẫn đến sự việc nói trên.
Trả lời VnEconomy về sự việc này, đại diện FastGo cho biết, lý do các tài xế trên không đủ doanh thu do chưa đáp ứng các điều kiện cam kết, tỷ lệ hoàn thành chuyến đi thấp, nhận cuốc xong huỷ không đón khách hoặc không đón được khách.
Cụ thể, tài xế Vi Văn Nam, Nguyễn Như Thành và Lê Minh Tuấn chỉ có tỷ lệ hoàn thành chuyến ở mức lần lượt là 72,02%, 59,89% và 52,34%, thấp hơn rất nhiều so với mức cam kết 90%.
Cho rằng mình là nạn nhân của việc lạm dụng chính sách kinh doanh và có dấu hiệu vu khống gây thiệt hại nặng nề cho hình ảnh uy tín và thương hiệu, công ty FastGo cho biết, đang chuẩn bị thủ tục và xem xét khởi kiện 3 đối tác tài xế có hành vi nói trên đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Trước đó, hồi tháng 8, Công ty Cổ phần FastGo Việt Nam đã công bố thỏa thuận hợp tác với VinFast, đưa 1.500 xe VinFast Fadil vào dịch vụ gọi xe công nghệ.
Với thỏa thuận này, các đối tác tài xế của FastGo sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ đặc biệt khi đặt mua xe như được trả góp 0% qua thẻ tín dụng hoặc lãi suất ưu đãi nếu vay ngân hàng mua xe.
Ngoài ra, FastGo cũng có chính sách đảm bảo thu nhập với các tài xế với mức thu nhập khoảng 25 triệu đồng/tháng khi đăng ký tham gia dịch vụ và đáp ứng đủ các điều kiện đặt ra.
Công ty Cổ phần FastGo Việt Nam (thuộc Tập đoàn NextTech của Shark Nguyễn Hoà Bình) thành lập ngày 27/4/2018 với nhiều ngành nghề chính như bán lẻ máy tính, vận tải hàng hoá bằng đường bộ, hàng thuỷ, chuyển phát, trong đó không có ngành nghề nào liên quan đến dịch vụ vận tải hành khách hay dịch vụ công nghệ.
Vốn điều lệ công ty thời điểm thành lâp 2 tỷ đồng, ông Nguyễn Hữu Tuất (người đại diện pháp luật, CEO FastGo) nắm 50% tỷ lệ, ông Nguyễn Hoà Bình nắm 50% còn lại.
Sau đó, FastGo liên tiếp tăng vốn và có sự xuất hiện của các cổ đông mới vào thời điểm 30/8/2018. Cụ thể, vốn điều lệ của FastGo đến tháng 9/2018 là 2,4 tỷ đồng, trong đó, ông Tuất và ông Bình giảm tỷ lệ sở hữu từ 50% xuống mỗi người còn 41%. Các cổ đông còn lại như Nguyễn Thị Thanh Hương nắm 0,5%; Hồ Chương nắm 5,4%; Nguyễn Hoàng Long nắm 2,7%; Đào Minh Phú nắm 5,4% và Nguyễn Thanh Sơn nắm 2,7%.
Đến thời điểm cuối năm 2018, xuất hiện cổ đong mới là Ancla Assets Limited trụ sở tại quần đảo Virgin thuộc Anh với tỷ lệ sở hữu là 25,2%.
Theo Kiều Linh/VnEconomy