Reuters đưa tin, quân đội Mỹ tuần trước công bố video quay từ một phi cơ giám sát, cho thấy các tàu hút bùn cùng nhiều tàu khác của Trung Quốc đang bận rộn với công việc biến các bãi đá thành đảo nhân tạo, xây đường băng và cầu cảng tại đó.
Ảnh chụp từ video của hải quân Mỹ cho thấy rất nhiều tàu của Trung Quốc tập trung tại bãi Vành Khăn thuộc Trường Sa
Việc công bố video này đã cho thấy vấn đề Biển Đông sẽ thống trị diễn đàn an ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La), khai mạc hôm nay 29/5 tại Singapore, với sự tham dự của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter và các quan chức quân đội cấp cao Trung Quốc.
Trong bối cảnh Mỹ thúc đẩy chính sách "xoay trục" quân sự sang châu Á một phần nhằm đối trọng với Trung Quốc, Washington cũng muốn các quốc gia Đông Nam Á có lập trường đoàn kết hơn nhằm đối phó với việc Trung Quốc ồ ạt xây dựng trên các bãi đá trong năm nay.
Đối thoại Shangri-La lần này chắc chắn sẽ tập trung bàn về căng thẳng trên Biển Đông. Trung Quốc kể từ đầu năm đã mở rộng thêm 6 km2 tại 5 tiền đồn trên các bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà nước này đang kiểm soát.
"Những quốc gia này cần hiểu rõ (vấn đề)", một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói, đồng thời cho biết sẽ phản tác dụng nếu Mỹ đi đầu trong việc thách thức Trung Quốc. Các đối tác, bao gồm 10 thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cần sớm có thêm hành động hợp nhất bởi "mọi việc đã xong xuôi nếu các bạn đợi thêm 4 năm nữa".
Phát biểu tại Hawaii trên đường tới Singapore tham dự Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter đã nhắc lại yêu cầu của Washington về việc ngừng ngay các hoạt động xây đảo nhân tạo, nói rằng Trung Quốc đang vi phạm các nguyên tắc của "cấu trúc an ninh khu vực" và sự đồng thuận về "các biện pháp không ép buộc".
Ngoài ra, nhằm tiếp thêm nghị lực cho các đồng minh, một phi cơ giám sát P-8 của Hải quân Mỹ đã cho phép phóng viên hãng tin CNN và tổ quay phim hải quân ghi lại hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa rồi công bố.
Giới chức quốc phòng Mỹ cho hay, hải quân Mỹ sẽ tăng18% sự hiện diện trong giai đoạn 2014-2020. Mục đích của việc này là chuyển 60% tàu của hải quân Mỹ sang châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2020, so với 57% hiện thời.
Giới chức quân đội tại Philippines cho hay dễ dàng nhận thấy sự chuyển dịch của Mỹ, trong đó có các cuộc tập trận quân sự, huấn luyện, các chuyến thăm của tàu và máy bay. Trọng tâm của Washington đã chuyển từ chống khủng bố sang an ninh hàng hải.
Phương Anh (TH)