Từ vụ việc ở quán Cà phê "Xin Chào" nhìn trở lại vụ án ở dự án Khai thác đá Hòn Thị ở TP. Nha Trang (Khánh Hòa)

Chắc hẳn bạn đọc còn nhớ, cách nay gần 3 năm vào sáng ngày 22-4, trao đổi với báo chí tại buổi họp báo thông tin về Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) năm 2016, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá cao các quyết định đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị người đứng đầu Chính phủ.

Theo đó, quyết định đầu tiên là Thủ tướng sẽ gặp gỡ DN ngay vào cuối tháng 4/2016. Quyết định thứ 2 cũng rất quan trọng là vào ngày 21-4, Thủ tướng đã yêu cầu dừng hình sự hóa vụ chủ quán cà phê Xin Chào (TP HCM) bị khởi tố. “Quyết định thứ 2 này của Thủ tướng phát đi thông điệp bảo vệ sự an toàn của môi trường kinh doanh , thông điệp doanh nghiệp và người dân sẽ được bảo vệ. Hiện nay môi trường kinh doanh không chỉ có nhiều trở ngại, chưa thực sự thuận lợi mà còn kém an toàn. Sự kiện quán cà phê Xin Chào là thông điệp phát đi quan trọng về việc Chính phủ sẽ bảo vệ DN, là điều rất đáng lưu ý” - ông Lộc đánh giá.

Cũng tại buổi gặp mặt ấy, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho biết thêm: Với vụ việc chủ nhân quán cà phê Xin chào bị khởi tố, Thủ tướng đã rất quan tâm và yêu cầu Văn phòng Chính phủ tham mưu giải quyết. Và ngay khi Văn phòng Chính phủ chưa kịp gửi văn bản tham mưu thì Thủ tướng đã chỉ đạo tháo “ngòi nổ” cho vụ này, cụ thể là ngừng hình sự hóa vụ việc.

Từ vụ việc ở quán Cà phê "Xin Chào" nhìn trở lại vụ án ở dự án Khai thác đá Hòn Thị ở TP. Nha Trang (Khánh Hòa) - Ảnh 1
Mỏ đá Hòn Thị đang ngừng hoạt động.

 

“Ý kiến riêng của tôi là nếu ông chủ quán này mà thua thì sẽ đưa ra thông điệp rất xấu là mọi DN kinh doanh đều có thể bị đi tù! Tất nhiên, cơ quan xử lý căn cứ quy định pháp luật khi xử lý nhưng cần phải xem động cơ ở đây là gì? Luật Hình sự mới (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016) đã bỏ quy định kinh doanh trái phép rồi mà đưa ra khởi tố tội này là không đúng với tinh thần của luật mới, không tạo điều kiện cho người dân mưu sinh, tạo công ăn việc làm. Sau này phải làm sao để không còn trường hợp như thế nữa, ngay tại TP HCM còn thế thì ở những nơi xa xôi hơn là rất khó” - ông Hà bày tỏ.

Dư luận cho rằng, nếu không có sự chỉ đạo “dừng hình sự hóa vụ việc” từ Thủ tướng Chính phủ và sự quan tâm, giám sát của các bộ, ngành Trung ương thì có lẽ công lý đã không được thực thi với chủ quán cà phê Xin Chào. Những cá nhân ký quyết định khởi tố, phê duyệt truy tố ông Tấn – Chủ quán ra tòa đã bị cấp trên ra quyết định xử phạt đã phần nào mang lại niềm tin cho công luận và những người bị oan sai niềm tin vào pháp luật. Ông Mai Tiến Dũng – người phát ngôn của Chính phủ đã từng nói: “Quan điểm của Chính phủ là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính; kiên quyết xử lý những người vi phạm, không né tránh, không bao che”.

Trên thực tế, nếu nhìn từ oan sai của chủ quán cà phê Xin Chào đến những vướng mắc về pháp lý mà lãnh đạo Công ty Hòn Thị đang đối mặt, sẽ thấy có nhiều điểm tương đồng. Đó là “dấu hiệu hình sự hóa vụ việc” cần được Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm, làm rõ!

“Nếu không thể xuất cảnh, tôi có thể bị đột quỵ bất cứ lúc nào…”- Đó là lời trải lòng của ông Bollingtoft Ole – Tổng Giám đốc Công ty Hòn Thị mới đây với phóng viên báo Kinh doanh và Pháp luật. Với tâm trạng buồn bực đan xen lo lắng, ông chia sẻ: “Chúng tôi mới nhận được Quyết định gia hạn thời hạn điều tra vụ án hình sự (lần thứ 2) với thời hạn 02 tháng kể từ ngày 09/04/2019 để Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa tiếp tục điều tra hành vi vi phạm quy định về khai thác tài nguyên mà họ đã cáo buộc chúng tôi trước đó. Tôi đã nhiều lần trình bày và đưa ra các văn bản chứng minh cho việc khai thác khoáng sản của chúng tôi là hợp pháp, là làm theo sự hướng dẫn của UBND tỉnh Khánh Hòa cùng các cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, mọi biện minh và chứng lý của chúng tôi đều không được Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa xem xét đến. Việc chúng tôi tiếp tục bị cấm đi khỏi nơi cư trú, cấm xuất cảnh trong 02 tháng tới sẽ khiến các kế hoạch của chúng tôi trước đó bị phá vỡ. Điều này sẽ mang lại rủi ro rất lớn cho bản thân tôi và con gái của tôi.

Theo lịch trình thì trong tháng 4 này, tôi phải có mặt tại Thái Lan để thực hiện khám định kỳ cho căn bệnh tiền liệt tuyến và tắc nghẽn tim mạch (01 năm/lần) đồng thời lấy thuốc điều trị bệnh hàng năm. Nếu không thể xuất cảnh thì việc khám và lấy thuốc của tôi sẽ bị ngắt quãng, tính mạng của tôi có thể bị đe dọa nếu như thiếu thuốc uống; con gái tôi cũng sẽ vì thế mà mất đi cơ hội để trở thành công dân Đan Mạch (Đây là quyền lợi chính đáng được hưởng của con gái tôi). Nếu trong trường hợp Công an tỉnh Khánh Hòa không thể chứng minh hành vi phạm tội của chúng tôi thì những rủi ro và thiệt hại do họ mang lại trong suốt thời gian qua cho chúng tôi không gì có thể bù đắp. Vì vậy, tôi kính mong Chính phủ Việt Nam, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cùng các cấp có thẩm quyền hãy xem xét tính chất nghiêm trọng của sự việc nêu trên. Mới đây, chúng tôi cũng đã gửi Đơn đề nghị đến VKSND tỉnh Khánh Hòa và Công an tỉnh đề nghị họ xem xét cho chúng tôi được xuất cảnh trong 15 ngày để có thể giải quyết những vấn đề cá nhân theo kế hoạch đã định. Hy vọng rằng các cơ quan này sẽ xem xét thấu tình, đạt lý và giải quyết theo đề nghị của chúng tôi để tránh những rủi ro nghiêm trọng có thể xảy ra”.

Hãy nhìn nhận khách quan sự việc

Ngày 30/10/2018, khi biết mình bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố hình sự về hành vi khai thác tài nguyên trái phép. Ông Bollingtolf Ole – Tổng Giám đốc và bà Nguyễn Thị Thủy – Giám đốc Công ty Hòn Thị đã gửi Đơn khiếu nại đến Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Khánh Hòa để khiếu nại các Quyết định khởi tố bị can số 86/PC01, 87/PC01 và 89/PC01 ngày 09/10/2018 của cơ quan này. Ngày 12/11/2018, VKSND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 268/QĐ-VKSKH-P12 về giải quyết khiếu nại nêu trên. Tuy nhiên nếu xét toàn bộ nội dung quyết định này có thể thấy VKSND tỉnh Khánh Hòa dường như chưa thực hiện kiểm tra, xác minh, làm rõ nội dung khiếu nại của những công dân nêu trên (?). Bởi các lẽ sau: Thứ nhất: Việc khai thác tận thu từ việc hạ cốt nền Khu đô thị Hòn Thị của Công ty Hòn Thị được triển khai thực hiện từ các quyết định hành chính của UBND tỉnh Khánh Hòa và sự chỉ dẫn bằng văn bản của các Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường. Nếu rà soát hết các nội dung văn bản hướng dẫn từ hai Sở này, thì không có mục nào, dòng nào, đoạn nào hướng dẫn Công ty Hòn Thị phải xin cấp Giấy phép khai thác khoáng sản tận thu cả; Thứ hai: Tại Văn bản số 8170/UBND-XDNĐ ngày 23/12/2014 do UBND tỉnh ban hành, cho phép công ty này thi công hạ cốt nền và được phép kinh doanh khối lượng đất, đá tận thu được. Tuy nhiên, tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 268/QĐ-VKSKH-P12 ngày 12/11/2018, VKSND tỉnh Khánh Hòa đã cho rằng Công ty Hòn Thị chỉ được phép khai thác đất đá tận thu để phục vụ xây dựng Khu đô thị Hòn Thị là hoàn toàn không đúng với thực tế được UBND tỉnh cho phép. Hơn thế nữa, tất cả lượng đất, đá khai thác được và bán ra ngoài, Công ty Hòn Thị đều nộp thuế, phí, tiền ký quỹ cam kết bảo vệ môi trường, thậm chí cả tiền thuê đất khi chưa được ký hợp đồng thuê đất. Theo số liệu thống kê của cơ quan Thuế tỉnh Khánh Hòa cung cấp cho phóng viên báo thì chỉ tính riêng trong 03 năm (từ năm 2016 đến năm 2018), Công ty Hòn Thị đã nộp vào ngân sách tỉnh này gần 100 tỷ đồng tiền thuế, phí các loại. Hiện nay số tiền nộp thừa mà ngân sách tỉnh đang giữ cho công ty cũng còn gần 1 tỷ đồng nữa. Vậy sao có thể coi việc khai thác tận thu của Công ty Hòn Thị là trái phép, là thu lợi bất chính được?

Đừng để lặp lại “oan sai”

Nhìn lại vụ việc của quán cà phê Xin Chào khi ấy, đại diện Công an và VKSND huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh) đã cho rằng có cơ sở để xử lý chủ quán cà phê về tội kinh doanh trái phép, đồng thời khẳng định “Nếu sai họ chịu mọi trách nhiệm”. Và khi công lý được thực thi công tâm, minh bạch thì chính những cá nhân cáo buộc tội danh cho người chủ quán đã bị xử lý thích đáng về sự vi lạm quyền của mình. Đây cũng là bài học để những người có trách nhiệm “cầm cân, nảy mực” phải suy ngẫm và rút kinh nghiệm nhằm đảm bảo công bằng cho toàn dân trong xã hội.

Hy vọng sự việc của Công ty Hòn Thị sẽ không đi theo vết xe đổ nêu trên để xây dựng niềm tin vào một xã hội “công bằng, liêm chính, kỷ cương” trong mỗi người dân sinh sống tại Việt Nam luôn được thắp sáng.


Hiền Anh và nhóm PVĐT

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục