Từ ngày mùng 3 Tết, thị trường hàng hóa bắt đầu sôi động hơn

Bộ Tài chính cho hay, từ ngày mùng 3 Tết như mọi năm thị trường hàng hóa sẽ dần sôi động hơn do người dân bắt đầu các hoạt động đi chơi ngày Tết, nhu cầu đi lại tăng lên và các trung tâm, địa điểm vui chơi sẽ bắt đầu mở cửa trở lại.

Ngày 23/1, Bộ Tài chính có văn bản số 11/BC-BTC gửi Văn phòng Chính phủ Báo cáo tổng hợp về tình hình giá cả thị trường và các biện pháp bình ổn giá trước và trong Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 (từ ngày 20/1/2023 đến ngày 23/1/2023).

Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến.

Theo Bộ Tài chính, năm 2023 dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức cho công tác quản lý, điều hành giá, tình hình kinh tế, địa-chính trị thế giới còn diễn biến phức tạp, lạm phát ở một số nước mặc dù có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng dự báo vẫn tiếp tục là một vấn đề trọng tâm cần phải giải quyết, giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu trong nước, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng do Trung quốc nới lỏng các biện pháp chống dịch.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, trong nước chịu tác động từ việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng nhà nước quản lý đã bị lùi thực hiện trong thời gian qua, một số chính sách về hỗ trợ về thuế sẽ hết hiệu lực từ đầu năm 2023, một số dự án lớn, những công trình trọng điểm quốc gia triển khai nhanh từ đầu năm, áp lực tăng giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm sau khi điều chỉnh tăng lương cơ bản, đặc biệt, áp lực lạm phát bình quân sẽ tăng ngay từ quý 1 năm 2023 do lạm phát được tích lũy theo xu hướng tăng trong năm 2022.

Trong bối cảnh đó, công tác quản lý, điều hành giá năm 2023 cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức khoảng 4,5% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do nhà nước quản lý khi điều kiện cho phép và đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, trình Quốc hội thông qua Luật giá sửa đổi.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương bám sát thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá về các giải pháp cụ thể đối với công tác điều hành giá tại các cuộc họp định kỳ Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán: Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 18/11/2022 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão 2023 và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn thị trường giá cả, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo thẩm quyền.

Điều hành giá các mặt hàng nhà nước quản lý thận trọng trong những tháng đầu năm để tạo dư địa an toàn cho công tác kiểm soát lạm phát cả năm 2023

Chủ động và linh hoạt trong quản lý, điều hành giá cả năm 2023: Trong năm 2023, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt đảm bảo kiểm soát lạm phát.

Theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp.

Điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đối với chính sách tài khóa, đánh giá kĩ các công cụ về thuế để tham mưu đề xuất việc tiếp tục hoặc dừng thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với các mặt hàng nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc tính toán, chuẩn bị các phương án giá, phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động đến CPI bảo đảm ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; báo cáo kịp thời Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá để có các quyết định phù hợp tình hình thực tiễn.

Đối với các mặt hàng cụ thể, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động dự báo và có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là trong các thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải, …, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Bộ Tài chính cho hay, qua theo dõi, nắm bắt diễn biến giá cả thị trường tại các địa phương cho thấy, về cơ bản diễn biến giá cả thị trường tháng 1 và trong những ngày Tết không có biến động bất thường, một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết tăng theo quy luật hoặc theo diễn biến giá thế giới. Hoạt động mua sắm trong ngày 29, 30 Tết tập trung chủ yếu là ở một số mặt hàng phục vụ liên hoan tất niên tại các gia đình và cúng Giao thừa như rau củ quả, các loại thực phẩm tươi sống, hoa quả, rượu bia, thuốc là và bánh kẹo.

Bộ Tài chính cho rằng, quý 1 trùng với thời điểm diễn ra nhiều hoạt động lễ hội cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, giá cả thường có biến động tăng theo quy luật vào trước và sau Tết. Giá một số dịch vụ công được triển khai theo lộ trình thị trường trong đó có giá điện nhiều khả năng sẽ tăng sớm từ đầu năm, giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ giáo dục tiếp tục thực hiện theo lộ trình thị trường (trong đó giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu Bộ Y tế dự kiến điều chỉnh trong quý I), một số mặt hàng nhà nước định giá chịu áp lực từ biến động về yếu tố hình thành giá. Ngoài ra, yếu tố thiên tai có thể gây ảnh hưởng cục bộ đến giá lương thực, thực phẩm và một số nhu yếu phẩm tại một số địa bản bị ảnh hưởng... Một số chính sách về hỗ trợ về thuế sẽ hết hiệu lực từ đầu năm 2023.

Cũng theo nhận định của Bộ Tài chính, theo quy luật giá cả một số mặt hàng thiết yếu thường nhích tăng trong các ngày Tết và sau đó dần giảm trở lại bình thường sau Tết. Tại một số tỉnh, thành phố lớn, nhiều siêu thị cửa hàng mở cửa trở lại để phục vụ nhu cầu mua sắm các hàng hóa thiết yếu, nguồn cung hàng hóa không còn bị gián đoạn sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trong nước vẫn dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của người dân nên giá cả dự kiến không có nhiều biến động, giá các dịch vụ viễn thông, bưu chính cơ bản giữ giá ổn định, hoặc triển khai chương trình giảm giá cho một số khách hàng.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm và sự kiên định trong chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Quốc hội, Chính phủ trong những năm qua và thời gian tới giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, từ đó ổn định kỳ vọng lạm phát.

Tuấn Kiệt

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục