Tự kiểm tra nợ xấu qua CIC: Dễ nhưng nhiều người vẫn 'sập bẫy' lừa

Nhiều người sập bẫy lừa đảo khi tin vào dịch vụ kiểm tra thông tin tín dụng hay xóa nợ xấu. Theo CIC, bất kỳ tổ chức/cá nhân nào cũng đều không được phép tự ý điều chỉnh các thông tin khách hàng, lịch sử tín dụng hay xóa/điều chỉnh nhóm nợ xấu của khách hàng.

Thờ ơ với thông tin tín dụng

Mới đây, câu chuyện một cô gái quyết định chia tay sau khi phát hiện bạn trai có nợ xấu qua việc kiểm tra thông tin tín dụng trên Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) đã gây xôn xao trên các diễn đàn mạng xã hội.

Bên dưới bài đăng, không ít người đã bày tỏ sự quan tâm đến việc kiểm tra thông tin tín dụng cá nhân. Nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, sau khi nghe về trường hợp này đã quyết định tự kiểm tra tình trạng tín dụng của bản thân.

Qua khảo sát nhanh, nhiều người chưa thực sự quan tâm đến tầm quan trọng của kiểm tra thông tin tín dụng cá nhân. Trên thực tế, không ít người vẫn còn xem nhẹ, chưa hiểu hết được tầm quan trọng của kiểm tra thông tin tín dụng cá nhân. Đa số chỉ quan tâm đến vấn đề này khi có nhu cầu vay vốn tại các tổ chức tín dụng, công ty tài chính.

“Nếu như không phải vay vốn để mua nhà, mua xe thì nhiều người chưa hẳn đã nghĩ đến việc kiểm tra điểm tín dụng và nợ xấu của mình. Có những khách hàng đến vay vốn tại ngân hàng mới tá hỏa khi biết mình có nợ xấu trên CIC. Từng có khách hàng đến vay vốn để sản xuất kinh doanh nhưng không được chấp thuận vì từng có nợ xấu cách đây 3 năm”, bà Nguyễn Chi, chuyên viên tín dụng tại một ngân hàng TMCP chia sẻ với VietnamFinance.

Người dân có thể tự kiểm tra thông tin tín dụng, lịch sử tín dụng, nợ xấu,...trên hệ thống CIC
Người dân có thể tự kiểm tra thông tin tín dụng, lịch sử tín dụng, nợ xấu,...trên hệ thống CIC

Thực tế, việc kiểm tra thông tin tín dụng không chỉ đơn thuần là đánh giá về khả năng vay vốn hay điểm tín dụng, mà còn có thể được xem là một công cụ quan trọng giúp hiểu sâu hơn về tình trạng tài chính của bản thân.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), toàn bộ thông tin khách hàng sử dụng thẻ tín dụng, mua trả góp, vay ngân hàng... cũng như quá trình trả nợ, vay nợ, chậm chả nợ của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đều sẽ được lưu trữ trên CIC.

Hiện nay, người dân có thể tự kiểm tra thông tin tín dụng trên website cic.gov.vn của CIC hoặc thông qua ứng dụng CIC (CIC Credit Connect – Kết nối nhu cầu vay - trên điện thoại Android hay iCIC National Credit Information Centre Of Vietnam - trên điện thoại IOS). Bên cạnh đó, còn có thể kiểm tra trực tiếp tại ngân hàng bằng chứng minh nhân dân/căn cước công dân.

Cẩn thận bẫy lừa

Nắm bắt được nhu cầu kiểm tra thông tin tín dụng của nhiều người, không ít kẻ đã lợi dụng để trục lợi. Chỉ cần gõ cụm từ “kiểm tra thông tin nợ ngân hàng” trên Facebook, hàng loạt nhóm và tài khoản cá nhân sẵn sàng cung cấp dịch vụ này với mức giá chỉ từ 200 – 500 nghìn đồng.

Nhiều bên cung cấp dịch vụ kiểm tra nợ xấu, thông tin tín dụng trên CIC cũng đưa ra cam kết sẽ giúp khách hàng biết chính xác 100% bản thân có nằm trong danh sách nợ xấu hay không, hoặc nếu có nợ xấu thì là nợ nhóm mấy,… chỉ trong vòng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Chi cho rằng những dịch vụ kiểm tra này có thể mang đến nhiều rủi ro. “Không ít trường hợp ‘tiền mất tật mang’ khi nhờ đến dịch vụ kiểm tra nợ xấu trên mạng xã hội. Nhiều người nhẹ dạ cả tin khi cung cấp các thông tin quan trọng liên quan đến tài khoản ngân hàng, tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng. Người dân nên tự kiểm tra nợ xấu trên hệ thống CIC để tránh mất tiền oan”.

Bên cạnh dịch vụ kiểm tra nợ xấu, nhiều đối tượng còn cung cấp thêm dịch vụ xóa nợ xấu với giá cả dao động từ 5 – 20 triệu đồng (tùy theo nhóm nợ). Để tăng độ uy tín, các đối tượng này còn đăng tải hình ảnh hoạt động của CIC hoặc tự nhận mình là nhân viên của CIC hay nhân viên của ngân hàng.

Các hội nhóm hỗ trợ kiểm tra nợ xấu, xóa nợ xấu xuất hiện tràn lan trên Facebook.
Các hội nhóm hỗ trợ kiểm tra nợ xấu, xóa nợ xấu xuất hiện tràn lan trên Facebook.

Vì tin những lời hứa hẹn như “xóa tất cả các nhóm nợ xấu trong vòng 72 giờ”, “cam kết gỡ sạch mọi nhóm nợ với giá cả phải chăng”,…, nhiều người đã “sập bẫy”, chấp nhận mất tiền oan khi các đối tượng này “bốc hơi” sau khi nhận tiền.

Trung tâm CIC và các ngân hàng cũng nhiều lần lên tiếng cảnh báo người dân về dịch vụ này. Ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc CIC từng khẳng định, không chỉ CIC mà bất kỳ tổ chức/cá nhân nào đều không được phép tự ý điều chỉnh các thông tin khách hàng, lịch sử tín dụng hay xóa/điều chỉnh nhóm nợ xấu của khách hàng.

“Các trường hợp cần điều chỉnh dữ liệu của khách hàng (do sai sót, nhầm lẫn) tại CIC đều phải tuân thủ những quy định chặt chẽ theo Quyết định số 240/QĐ-TTTD ngày 20/11/2019 của CIC. Theo đó, CIC chỉ điều chỉnh dữ liệu của khách hàng khi nhận được công văn yêu cầu từ TCTD (do Tổng giám đốc hoặc người được uỷ quyền ký), trong đó nêu rõ lý do sai sót, điều chỉnh”, ông Tuấn cho hay.

Khánh Tú

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục