TS. Cấn Văn Lực: Với Việt Nam, quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô
Mặc dù cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, song trao đổi với infomoney.vn, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, khả năng Trung Quốc phá giá sâu hơn nữa CNY là khó xảy ra, nếu không kinh tế nước này sẽ gánh chịu tổn thất nặng nề.
Theo TS. Cấn Văn Lực, CNY mất giá mạnh tác động nhất định đến kinh tế thế giới. Thứ nhất, làm cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung căng thẳng hơn, biểu hiện là Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ. Thứ hai, động thái của Trung Quốc có thể khiến một số nước lớn theo dõi, xem xét điều chỉnh tỷ giá trong nước. “Tình hình chưa đến mức là cuộc chiến tiền tệ song đang tạo ra những tác động, cú hích để các nước có thể xem xét điều chỉnh tỷ giá nội tệ”, TS. Lực nhận định.
Mặc dù thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu đang nóng lên với động thái của Mỹ và Trung Quốc, giá vàng tăng dựng đứng, tuy nhiên, trả lời câu hỏi của infomoney.vn, TS. Lực cho rằng, khó có khả năng CNY mất giá sâu hơn nữa. Thứ nhất, việc bị Mỹ coi là quốc gia thao túng tiền tệ sẽ khiến chiến tranh thương mại căng thẳng hơn nữa. Thứ hai, nếu CNY mất giá mạnh, dòng vốn FDI sẽ chảy ồ ạt ra khỏi Trung Quốc.
Riêng với tỷ giá VNĐ/USD, tác động trước mắt do Trung Quốc mất giá đồng nhân dân tệ là chưa lớn. Một là, CNY chỉ là một trong 8 loại tiền tệ trong rổ tiền tệ để NHNN tính toán điều chỉnh tỷ giá. Hai là, ngoài biến động của các đồng tiền trên thế giới, các nhà điều hành tỷ giá khi điều chỉnh tỷ giá tính toán rất nhiều nhân tố như: kim ngạch xuất nhập khẩu, vốn FDI, yếu tố vĩ mô trong nước…
Trong bối cảnh thị trường thế giới diễn biến phức tạp, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi, đánh giá, tiếp tục kiên định chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt.
“Tỷ giá không tác động nhiều đến xuất nhập khẩu của Việt Nam do cấu trúc nền kinh tế. Thứ hai, Việt Nam đang bị Mỹ đưa vào danh sách theo dõi về chính sách tiền tệ, nên phải cực kỳ thận trọng, không để bị cuốn theo cuộc xung đột tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Phải lưu ý đối với nền kinh tế nước ta, ổn định vĩ mô là quan trọng nhất, muốn vậy thì cần phải ổn định tỷ giá”, TS. Cấn Văn Lực khuyến cáo.
Ngày 1/8, Mỹ tuyên bố tăng thêm 10% thuế với 300 tỷ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Sau đó, CNY mất giá mạnh xuống còn hơn 7 CNY đổi 1 USD, thấp kỷ lục trong hơn 10 năm, Trung Quốc cũng tuyên bố ngừng mua nông sản từ Mỹ.
Nhân dân tệ đang giảm giá xuống mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua
Ngay lập tức, Mỹ đưa Trung Quốc vào danh sách các quốc gia đang thực hiện việc thao túng tiền tệ và cho biết sẽ liên kết với Quỹ Tiền tệ Quốc tế để loại bỏ những cạnh tranh không lành mạnh từ Bắc Kinh.
Hôm qua, Tổng thống Mỹ Donal Trump đã có bình luận về sự kiện này trên Twitter:
“Trung Quốc luôn sử dụng thao túng tiền tệ để đánh cắp từ các doanh nghiệp và nhà máy của chúng ta, làm tổn hại công việc của chúng ta, làm giảm lương công nhân của chúng ta và làm hại giá nông sản của chúng ta. Giờ không còn nữa”.
Hiện, các quốc gia vẫn đang nhận định thận trọng về khả năng có hay không một cuộc chiến tranh tiền tệ toàn cầu. Nhiều khả năng, Fed sẽ có thêm đợt hạ lãi suất trong năm nay sau động thái của Trung Quốc. Tuy nhiên, các quốc gia khác, nhất là các quốc gia đang thâm hụt thặng dư với Mỹ sẽ phải cân nhắc khi điều chỉnh tỷ giá, nếu không muốn bị Mỹ cho vào danh sách thao túng tiền tệ.
Theo báo Đầu tư